Chủ tịch Trung Quốc thăm Trung Á: Một sự khởi đầu cho muôn sự khởi đầu!

Trung Quốc đã lựa chọn Trung Á làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau dịch bệnh. Việc khôi phục trạng thái bình thường của ngoại giao Nguyên thủ là sự khởi đầu cho nhiều bước đi chiến lược của Bắc Kinh trong thời gian tới.

Tổng thống Kazakhstan Jomart Tokaïev và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi họp báo chung ngày 14/9. (Nguồn: EURACTIV)

Tổng thống Kazakhstan Jomart Tokaïev và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi họp báo chung ngày 14/9. (Nguồn: EURACTIV)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 14/9 đã tới Kazakhstan trong khuôn khổ chuyến thăm 3 ngày đến Trung Á. Sau đó, ông Tập Cận Bình đã tới thành phố Samarkand của Uzebekstan để dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).

Chuyến thăm Trung Á lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình đánh dấu sự khôi phục trạng thái bình thường của ngoại giao Nguyên thủ sau đại dịch Covid-19.

Việc lựa chọn Trung Á làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau dịch bệnh cho thấy Bắc Kinh đặt ưu tiên tăng cường xây dựng quan hệ chặt chẽ với các đồng minh phi phương Tây, mong muốn mở rộng ảnh hưởng tại các yếu điểm chiến lược ở đại lục Âu-Á, đồng thời chứng minh "sân chơi" do Mỹ lãnh đạo không phải là duy nhất.

1.001 lý do để chọn Kazakhstan

Kazakhstan là "cái gai" trong tuần trăng mật giữa Moscow và Bắc Kinh, hay trái lại Nur Sultan là viên gạch đầu tiên cho mái nhà chung Á-Âu trước Hội nghị thượng đỉnh SCO?

Chủ tịch Tập Cận Bình tính toán những gì khi chọn vùng ảnh hưởng của Moscow là điểm đến đầu tiên cho chuyến xuất ngoại đầu tiên sau gần 3 năm Covid-19 và trong bối cảnh Nga đặt nhiều kỳ vọng vào Trung Quốc trước cuộc xung đột ở Ukraine?

Để chuẩn bị cho sự kiện lãnh đạo Trung Quốc công du Kazakhstan, tháng 7 vừa qua Ngoại trưởng Vương Nghị đã nhấn mạnh Trung Quốc và Kazakhstan “tăng cường hợp tác”.

Trong một cuộc điện đàm hồi tháng 2, Tổng thống Kazakhstan Jomart Tokaïev và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng lòng “mở ra một giai đoạn vàng son 30 năm” trong quan hệ song phương.

Chuyến công du Kazakhstan lần này của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trước hết, Kazakhstan sát cạnh Trung Quốc, chia sẻ đường biên giới chung hơn 1.000 cây số. Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Kazakhstan.

Thứ hai, sau khi thăm Kazakhstan, ông Tập Cận Bình sẽ dự thượng đỉnh SCO. Ngoài Trung Quốc và Nga, nhiều nước Trung Á đã tham gia tổ chức này cùng với Ấn Độ, Pakistan. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga-phương Tây hiện nay, thượng đỉnh ở Uzbekistan mang ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và ngoại giao. Sự kiện này khẳng định khối Á-Âu muốn thoát khỏi "cái bóng" của phương Tây về nhiều mặt.

Thứ ba, Kazakhstan là thành viên quan trọng nhất trong số 5 nước Trung Á. Thuần túy về địa lý, Kazakhstan chiếm một vị trí chiến lược giữa hai phần “Đông” và “Tây” của địa cầu, là “gạch nối” giữa châu Âu với châu Á.

Bên cạnh đó, dưới góc độ kinh tế, Kazakhstan thực sự là một “mỏ vàng” trong mắt các doanh nhân Trung Quốc.

Kazakhstan là nguồn dự trữ urani lớn thứ hai của thế giới. Những mỏ vàng, đồng, cobalt và đủ các loại kim loại hiếm là nam châm thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu nay. Cho dù Kazakhstan vẫn duy trì liên hệ “đặc biệt” với Nga, nhưng vốn và các công ty của Trung Quốc đã “đổ bộ” vào Kazakhstan từ lâu.

Thứ tư, ngoài những mục tiêu về kinh tế, Trung Quốc luôn theo đuổi mục đích chiến lược và an ninh trong quan hệ với tất cả các quốc gia có chung đường biên giới.

Bàn về "điểm nóng" với Nga và Ấn Độ

Một điểm nhấn khác trong chuyến thăm Trung Á lần này của ông Tập Cận Bình là cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga.

Phía Nga đã tiết lộ các kế hoạch liên quan đến cuộc gặp. Dự kiến, hai bên sẽ bàn về tình hình Ukraine và vấn đề Đài Loan tại cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ xung đột Nga-Ukraine nổ ra đầu năm nay.

Cuộc gặp cấp cao lần này cũng sẽ chứng tỏ sự gần gũi sau khi hai nước tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” sau cuộc gặp hồi tháng 2/2022 ở Bắc Kinh.

Đến nay, Trung Quốc không hỗ trợ quân sự cho Nga, và dự kiến tiếp tục tuyên bố lập trường trung lập trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, xét từ những tương tác thường xuyên gần đây giữa Bắc Kinh và Moscow, mối quan hệ giữa hai bên đã trở nên gắn kết hơn.

Giám đốc Chương trình Trung Quốc của Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ) cho biết, tín hiệu phát đi từ cuộc gặp cấp cao Nga-Trung Quốc tới đây là hai nước có nhận thức chung về mối đe dọa đến từ Mỹ.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc-Ấn Độ cũng là điểm nổi bật trong chuyến công du lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa xác nhận về cuộc gặp này, nhưng việc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh SCO, hai nước đạt đồng thuận để đội tuyến đầu của quân đội hai nước tại Ganadaban đồng thời giữ khoảng cách từ ngày 8/9 cho thấy hai bên đều muốn tạo không khí tốt đẹp cho cuộc gặp cấp cao Trung Quốc-Ấn Độ.

Xung đột biên giới luôn là "quả bom hẹn giờ" đối với quan hệ hai nước. Hội nghị thượng đỉnh SCO là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi xảy ra xung đột gây thương vong tại thung lũng Galwan từ tháng 6/2021.

Cuối cùng, một nội dung quan trọng khác trong chuyến đi Trung Á của Chủ tịch Tập Cận Bình là Hội nghị thượng đỉnh SCO.

Một số học giả cho rằng so với Hội nghị thượng đỉnh G20 (tháng 11 tới đây tại Indonesia), các thành viên SCO có xu hướng ổn định, dễ kiểm soát, phù hợp với việc Bắc Kinh tuyên bố khôi phục ngoại giao Nguyên thủ quay lại trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là điểm khởi đầu đối với Trung Quốc.

(theo Reuters, AFP)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chu-tich-trung-quoc-tham-trung-a-mot-su-khoi-dau-cho-muon-su-khoi-dau-198263.html