Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình: Kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm về xây dựng tại Núi Cấm
Theo phản ánh của bạn đọc với Báo SGGP, trong khi chính quyền và ngành chức năng tỉnh An Giang chưa xử lý dứt điểm 10 homestay xây dựng và kinh doanh trái phép trên Núi Cấm, hiện nay các công trình xây dựng trên đất rừng này có nguy cơ bị sạt lở, ngã đổ, đe dọa sự an toàn của hàng trăm du khách đến tham quan, lưu trú tại đây.
Homestay “mọc” trên rừng
Núi Cấm (thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) được chính quyền địa phương quy hoạch là đất rừng, cũng là khu vực phòng thủ. Do đó, từ năm 2002, UBND tỉnh An Giang đã có chỉ thị về quản lý Núi Cấm, trong đó nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng đất đai và xây dựng trên vùng đất này. Tuy nhiên, hiện nay trên Núi Cấm có rất nhiều công trình xây dựng trái phép, trong đó có 10 homestay được xây dựng với quy mô lớn.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, các homestay này hình thành từ năm 2019. Chính quyền và ngành chức năng địa phương nhiều lần lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính chủ đầu tư nhưng không xử lý quyết liệt, dứt điểm, yêu cầu trả lại nguyên trạng. Đến nay, các công trình xây dựng trái phép trên vẫn ngang nhiên tồn tại.
Không chỉ xây dựng homestay trên đất rừng, chủ các công trình vi phạm còn tổ chức kinh doanh đồ ăn, thức uống, cho khách thuê phòng lưu trú qua đêm… trái phép trong các homestay. Hầu hết các homestay nói trên được xây cất trên địa hình lồi lõm, nằm cheo leo trên các mỏm đồi có độ dốc cao, có nguy cơ bị sạt lở, ngã đổ bất cứ lúc nào.
Đại diện Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm thông tin, mỗi tháng, các homestay xây dựng và kinh doanh trái phép này phục vụ khoảng 7.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh An Giang. “Ngoài việc nhà nước bị thất thu thuế, vấn đề an toàn cho du khách tại các homestay này rất đáng báo động”, một nhân viên của Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm, bày tỏ lo ngại.
Ông Nguyễn Văn Thành, nhà ở dưới chân Núi Cấm, cho biết, sau những trận mưa lớn vừa qua, nhiều vị trí trên Núi Cấm bị sạt lở, nguy cơ các homestay bị sạt, ngã đổ là rất lớn. Chưa kể, trên Núi Cấm có nhiều vực sâu, thường xuyên xảy ra sự cố đá tảng lăn nên rất nguy hiểm khi du khách đi lại cũng như lưu trú qua đêm tại các homestay.
“Người dân sống ở đây rất bất an, đề nghị chính quyền sớm có biện pháp xử lý dứt điểm các homestay xây dựng và kinh doanh trái phép, các cá nhân sai phạm”, ông Thành nói.
Huyện xử lý, tỉnh chỉ đạo cho tồn tại?
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang), xác nhận 10 homestay trên Núi Cấm được xây dựng không phép; vị trí các homestay xây dựng là đất rừng tự nhiên.
Vì sao các homestay hình thành, tồn tại trên đất rừng nhiều năm nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương không xử lý dứt điểm? Có hay không một bộ phận cán bộ, lãnh đạo ở địa phương đã thiếu trách nhiệm, làm lơ, tiếp tay để các công trình vi phạm tồn tại?
Trước những câu hỏi này, ông Phạm Thành Nhơn khẳng định: “Không có chuyện cán bộ tiếp tay, mà là do chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong việc xử lý các homestay trên Núi Cấm giữa các cấp”.
Theo ông Nhơn, ngay từ đầu, chủ trương của địa phương là xử lý dứt điểm các công trình vi phạm trên. Tuy nhiên, cuối năm 2022, khi làm việc với địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư (hiện đã bị bắt tạm giam do liên quan đến sai phạm trong cấp phép quyền khai thác mỏ cát sông - PV) có ý kiến chỉ đạo tạm thời cho các công trình này tồn tại, với điều kiện giữ nguyên hiện trạng và giao UBND thị xã Tịnh Biên quản lý, lập quy hoạch, không được phát sinh thêm công trình trái phép.
“Gần đây, trên Núi Cấm xuất hiện nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là du khách tham quan, lưu trú tại các homestay, UBND thị xã Tịnh Biên đã có báo cáo cụ thể tình hình quản lý đất đai, xây dựng trên Núi Cấm với UBND tỉnh An Giang, đồng thời đề nghị cho cưỡng chế các homestay trên”, ông Nhơn thông tin.
Đặt câu hỏi bao giờ xử lý dứt điểm các homestay xây dựng và kinh doanh trái phép trên Núi Cấm với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, PV Báo SGGP được ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tôi đã yêu cầu Thường trực UBND tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND thị xã Tịnh Biên kiểm tra, rà soát, báo cáo cụ thể quá trình xây dựng, tồn tại của các homestay nói trên. Ngày 5-10, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ họp cho ý kiến xử lý. Quan điểm chung của tỉnh An Giang là xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Sau cuộc họp, Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh An Giang sẽ đưa ra biện pháp xử lý dứt điểm các homestay xây dựng trên đất rừng nêu trên và sẽ thông tin cụ thể đến báo chí”.
Lúc 13 giờ 30 ngày 3-10, trên núi Cấm (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) xảy ra vụ sạt lở đất, đá. Theo thống kê ban đầu của chính quyền địa phương, vụ sạt lở đã làm hư hỏng mái taluy đường, hộ lan cứng và làm sập rào chắn lưới. Khu vực ảnh hưởng có diện tích ngang 20m, dài theo mái dốc khoảng 40m, khối lượng đất đá khoảng 50m3.
Ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang), cho biết, để đảm bảo an toàn, UBND thị xã Tịnh Biên đề nghị UBND tỉnh An Giang cho tạm dừng các phương tiện lưu thông lên, xuống núi Cấm trong 4 ngày. Đồng thời, có chủ trương thực hiện dự án xử lý khẩn cấp, ngăn chặn sạt lở đất đá dọc hai bên tuyến đường chính lên, xuống núi Cấm. Trên núi Cấm hiện có 397 vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá.