Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn sơ tán dân ở vùng nguy hiểm
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng - Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu...
Theo tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, những ngày qua, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Tổng lượng mưa tính từ 7h ngày 15/10 đến 4h ngày 18/10 các khu vực trong tỉnh phổ biến 116 - 253mm, có nơi cao hơn như: Hương Trạch 363mm, Chu Lễ 382mm, Hòa Duyệt 395cm, Thạch Đồng 313mm, Tp Hà Tĩnh 367mm, Hương Khê 322mm.
Lũ trên sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ lúc 7h đã đạt trên mức báo động (BĐ) II (BĐII = 12,5m), mực nước Chu Lễ lúc 7 giờ là: 13,28m (dưới BĐIII: 0,72m) và đang tiếp tục lên.
Lãnh đạo huyện Hương Khê đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương ứng phó với mưa lũ.
Hiện nay, không khí lạnh tăng cường mạnh, vùng hội tụ gió di chuyển dần ra phía Hà Tĩnh (đêm qua vùng hội tụ gió nói trên gây mưa đặc biệt lớn cho khu vực Quảng Bình, sáng nay vùng mây hội tụ gió đã di chuyển ra khu vực phía nam của tỉnh Hà Tĩnh), dự báo từ sáng nay mưa bắt đầu tăng dần. Từ sáng nay 18/10 đến ngày 21/10 khu vực Hà Tĩnh có mưa to đến rất to (riêng ngày 18 và ngày 19/10 mưa có xu hướng tăng lên và có khả năng một số nơi xảy ra mưa đặc biệt to), mưa khu vực phía nam của tỉnh khả năng cao hơn khu vực phía bắc, tổng lượng mưa phổ biến 400 - 600mm, có nơi trên 700mm. Lũ trên các sông Hà Tĩnh có khả năng lên trên mức BĐIII, nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu kéo dài.
Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, lũ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân, Trưởng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tỉnh yêu cầu:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu; khu vực đóng quân của lực lượng vũ trang, kiểm lâm, các cơ sở sản xuất kinh doanh đến nơi tránh trú an toàn. Tuyệt đối không được để người dân ở lại hoặc quay lại các khu vực nguy hiểm khi tình hình mưa lũ còn phức tạp. Nếu địa phương để xảy ra thiệt hại về người do tắc trách thì phải chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
2. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Giao thông vận tải phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố, thị xã tổ chức di dời dân và đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực phải di dời đi và đến. Đồng thời rà soát vị trí đóng quân của các đơn vị trực thuộc, khẩn trương sơ tán cán bộ, chiến sỹ ở các vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn.
3. Sở Thông tin và Truyền thông nhắn tin đến tất cả các số thuê bao trong tỉnh biết về tình hình mưa, lũ và nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu để Nhân dân biết, chủ động ứng phó.
4. Giám đốc các công ty quản lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.
5. Các đồng chí trưởng các đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác PCTT-TKCN của tỉnh tại các huyện, thành phố, thị xã xuống ngay cơ sở để chỉ đạo các địa phương ứng phó kịp thời.