Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp: Đổi mới, đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Sáng 8/9, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lâm Đồng tổ chức sơ kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 9 tháng đầu năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022.
Dịp này, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lâm Đồng thông qua Kế hoạch tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027 trên địa bản tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Hiệp – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo công tác của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh 9 tháng đầu năm do Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng Nguyễn Quang Tuyến trình bày, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hiện nay, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã được kiện toàn theo Quyết định số 357/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 của UBND tỉnh với 40 thành viên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, các ủy viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện có 339 người. Một số cơ quan, đơn vị đã kiện toàn Hội đồng của cơ quan, đơn vị.
Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có sự phát triển về số lượng và kiện toàn về chất lượng; trong đó, báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh 69 người, báo cáo viên pháp luật cấp huyện 259 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã 1.877 người. Ngoài ra, còn nhiều lực lượng khác tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương như báo cáo viên pháp luật là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại các trường phổ thông do Sở GDĐT quản lý với 223 người. Tính đến 31/12/2021, toàn tỉnh có 1.384 Tổ hòa giải với 7.908 hòa giải viên cơ sở, hơn 4.000 tuyên truyền viên thuộc hệ thống khối MTTQ và các cơ quan thành viên cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, huyện, thành phố tiếp tục triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đa đạng về nội dung, phong phú về hình thức, bám sát các nội dung, chương trình, Đề án Phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung ương, phù hợp với từng đối tượng cụ thể và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh bên cạnh việc tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân đã từng bước chú trọng đến một số đối tượng đặc thù như người đang chấp hành hình phạt tù, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người dân tộc, người dân ở các xã trọng điểm về vi phạm pháp luật…
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế như nguồn kinh phí triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp, các ngành còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp cấp huyện, giữa các cơ quan, đơn vị với chính quyền cơ sở chưa thường xuyên; tại các cơ quan, địa phương, đơn vị, việc luân chuyển công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã gây khó khăn trong việc tiếp cận, nắm bắt tình hình trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nhiều địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm tới các nội dung liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ không được quan tâm nên hoạt động không hiệu quả…
Về công tác hòa giải ở cơ sở chủ yếu tập trung tại các địa phương cấp xã, việc triển khai các nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc cân đối ngân sách phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở hàng năm còn thấp, lực lượng hòa giải viên chủ yếu là trưởng thôn, người có uy tín… hầu hết chưa được học qua các lớp đào tạo về chuyên ngành luật nên việc tiếp cận các văn bản pháp luật còn hạn chế…
Về công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hiện nay các địa phương vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc như chưa có căn cứ để đánh giá việc đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; việc thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý còn khó khăn về việc nắm bắt thông tin của người bị hại; việc tập huấn nhằm triển khai thực hiện các quy định mới về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được thực hiện, do đó gây khó khăn cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác liên quan tới đánh giá và công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hội nghị cũng đã thông qua Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022; Kế hoạch tổng kết thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 – 2027 trên địa bản tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi ý kiến và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lâm Đồng ghi nhận việc triển khai, phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian qua có nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về pháp luật; khẳng định tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với hiệu quả thực thi công vụ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí nhấn mạnh: Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể là thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cùng các địa phương phải tăng cường sự quan tâm đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo theo nhiệm vụ, thẩm quyền đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác phối hợp giữa các thành viên Hội đồng với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa chặt chẽ, một số thành viên Hội đồng chưa thật sự chủ động tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung, hình thức, phương pháp, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa thực sự thu hút, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật tuy có đổi mới nhưng chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia…
Để triển khai thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gia tới, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đề nghị tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật toàn diện, rộng khắp, hướng mạnh về cơ sở; đổi mới nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng bám sát thực tiễn cuộc sống và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong từng giai đoạn, địa bàn, đối tượng cụ thể; mỗi thành viên Hội đồng nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; sắp xếp lại kinh phí bố trí cho các cấp, các ngành đúng, đủ; thường xuyên quan tâm xây dựng, kiện toàn đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; trong đó, huy động, phát huy vai trò của các luật sư, luật gia và những người làm công tác pháp luật khác tham gia vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới, đa dạng hóa hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng; quan tâm công tác khen thưởng, trong đó, chú trọng các mô hình, nhân tố điển hình ở cơ sở…