Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Không để bị động, bất ngờ trước thiên tai

Bão số 3 là cơn bão lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại miền Bắc. Ở tỉnh Bắc Giang, công tác ứng phó với bão và hoàn lưu sau bão được triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả nên đã giảm thiểu thiệt hại, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá.

Xung quanh nội dung này, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bắc Giang.

Thưa đồng chí, sau rất nhiều năm, Bắc Giang mới phải đối mặt với cơn bão cường độ mạnh và trận lũ lớn như vừa qua. Xin đồng chí cho biết tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với bão lũ và xử lý các tình huống như thế nào?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Sau nhiều năm mới xuất hiện một cơn bão rất mạnh như bão số 3 ảnh hưởng đến tỉnh Bắc Giang. Không chỉ có bão mà sau bão, lũ xuất hiện rất nhanh. Qua thực tiễn công tác phòng, chống bão số 3 cho thấy, từ tỉnh đến cơ sở có quyết tâm chính trị rất cao. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn sát sao kiểm tra, chỉ đạo, nắm bắt tình hình, có mặt trực tiếp tại những điểm nguy cơ cao để cùng lực lượng cơ sở xử lý kịp thời những tình huống phát sinh. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ huy công tác phòng, chống lụt bão và TKCN tại hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thị sát đê bối Tiên Sơn - Vân Hà (thị xã Việt Yên), ngày 10/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Gấu và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương thị sát đê bối Tiên Sơn - Vân Hà (thị xã Việt Yên), ngày 10/9.

Quan điểm của tỉnh đặt ra là công tác ứng phó phải bám sát phương châm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân là trên hết. Với phương châm đó thì tất cả biện pháp ứng phó của chúng ta triển khai đã đạt hiệu quả. Hiệu quả thể hiện là đã bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chúng ta có một số thiệt hại song tổng thể không phải lớn so với thành quả chúng ta đã bảo vệ được.

Bắc Giang là tỉnh đang phát triển mạnh công nghiệp, trong bão lũ, chúng ta đã bảo vệ an toàn các khu công nghiệp (KCN), duy trì sản xuất ổn định, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Với tinh thần cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ cho nên trước, trong, sau bão, trong lũ và sau lũ, tất cả sự cố xảy ra, dù về điện, nước, viễn thông hay giao thông, thủy lợi, đê điều đều được xử lý rất kịp thời, không để xảy ra sự cố lớn, tức là không để việc nhỏ biến thành lớn. Đến thời điểm này, có thể nói là những mục tiêu đặt ra, nhất là mục tiêu về an toàn tính mạng con người, tài sản là chúng ta cơ bản đạt được.

Có được kết quả trên là do tỉnh rất nỗ lực trong chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các giải pháp, nhận được sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của người dân. Từ quá trình ứng phó với bão lũ vừa qua, Bắc Giang đã rút ra bài học kinh nghiệm gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Trước hết, chúng ta thấy bão số 3 rất mạnh, trong tương lai dù không mong muốn vẫn có thể xuất hiện những cơn bão và trận lụt tương tự như thế này. Để hạn chế thiệt hại thì cần có phương án đề phòng từ trước, tức là không đợi bão về, không đợi có lũ mới lên kịch bản, phương án. Quan trọng là phải có kịch bản, phương án từ trước và phải được diễn tập, được tuyên truyền để các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp biết. Lực lượng chức năng phải được diễn tập thường xuyên về phương án hiệp đồng, phối hợp, tạo cho chúng ta thế chủ động ứng phó với bão lũ.

 Đồng chí Lê Ánh Dương kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố trên đê tả Cầu thuộc địa bàn xã Mai Đình (Hiệp Hòa).

Đồng chí Lê Ánh Dương kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố trên đê tả Cầu thuộc địa bàn xã Mai Đình (Hiệp Hòa).

Phải thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Bão lũ xảy ra rất nhanh, không ai thay thế được lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ. Các phương án tại chỗ phải làm thật tốt, đây không chỉ là khẩu hiệu mà phải biến thành việc làm nhuần nhuyễn.

Việc chỉ huy hiệp đồng, phối hợp giữa tỉnh với cấp huyện, cấp huyện với cấp xã, giữa các lực lượng với nhau phải nhịp nhàng, thông suốt và đặc biệt không để đứt thông tin liên lạc. Vừa rồi có việc đáng tiếc là ở vài chỗ, vào một số thời điểm, nhất là lúc mưa bão thông tin liên lạc rất khó khăn, sau này phải có biện pháp khắc phục. Bởi vì thông tin liên lạc rất quan trọng, nếu gián đoạn sẽ không chỉ huy, chỉ đạo được để xử lý các tình huống phát sinh.

Kinh nghiệm cho thấy, sau bão là lũ. Nếu chống bão mà không nghĩ đến chống lũ là chúng ta sẽ khuyết một vế. Do đó, chống bão phải đồng thời với chống lũ để chúng ta luôn luôn chủ động, không để bị động bất ngờ trước thiên tai.

Khi lũ trên sông Thương dâng cao, bể xả Trạm bơm Cống Bún bị rò rỉ khiến rất nhiều người dân lo lắng song khi dõi theo công tác chỉ đạo của tỉnh, bà con thấy yên tâm, vững tin. Sự cố kịp thời được khắc phục, bảo đảm an toàn. Trong thời điểm đó, hẳn các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã phải đưa ra những quyết định “cân não”, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Sự cố Trạm bơm Cống Bún xảy ra rất bất ngờ. Việc đầu tiên chúng ta đánh giá đây là sự cố rất nghiêm trọng. Vì khi vỡ bể xả cũng ngang với vỡ đê sông Thương, phạm vi tác động rất lớn đến đô thị, phía sau đô thị là các KCN, cho nên cần phải đưa ra quyết định rất nhanh chóng.

Tại thời điểm đó, ngành Nông nghiệp, TP Bắc Giang cũng đã tham mưu tốt, đưa ra được các phương án. Chúng tôi quan tâm là phải có phương án kỹ thuật tốt, đã lựa chọn 3 giải pháp kỹ thuật, trong đó có giải pháp triệt để là nếu cần thiết sẽ hoành triệt Cống Bún. Khi có giải pháp tốt thì quan tâm vấn đề sử dụng lực lượng, chúng tôi quyết định điều động quân đội là nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của người dân. Những người dân tại địa phương đã tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, đó là phát huy lực lượng tại chỗ.

 Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố tại Trạm bơm Cống Bún.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương trực tiếp chỉ đạo khắc phục sự cố tại Trạm bơm Cống Bún.

Phương án xử lý sự cố được triển khai rất khẩn trương, đòi hỏi bộ phận tổng chỉ huy phải quyết đoán, thống nhất vì có nhiều việc, nhiều người cùng làm một lúc thì chúng ta phải làm hài hòa, không để việc này cản trở việc kia. Thời gian chỉ có mấy tiếng đồng hồ, nếu không tranh thủ từng phút, từng giờ thì hậu quả xảy ra rất lớn. Nhờ thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, trong vòng 4 giờ, sự cố cơ bản được xử lý, từ nguy cơ mất an toàn rất cao thành nguy cơ thấp. Qua đó thể hiện sự chung sức, đồng lòng của quân và dân ta trong thời điểm cam go, cùng nhau vượt qua thiên tai.

Hiện lũ bắt đầu rút nhanh trên các sông, đồng chí có chỉ đạo như thế nào về những công việc cần làm sắp tới?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Rất nhiều việc chúng ta phải làm ngay. Đầu tiên là ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế cho người dân. Cụ thể như: Sản xuất công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đặc biệt là khắc phục hậu quả ngập úng đối với cây ăn quả, đổ gãy rừng sản xuất; tiêu úng nhanh để hướng dẫn bà con trồng cây ngắn ngày, bù lại diện tích đã thiệt hại, khôi phục đàn vật nuôi. Phải bảo đảm an toàn về y tế, nhất là phòng ngừa dịch bệnh ở những khu vực ngập lụt. Khi nước rút phải xử lý thật tốt về môi trường.

Hiện nay, cơ bản sự cố về viễn thông, điện, nước sạch được khắc phục, tuy vậy còn một số công trình bị hư hại như: Đường giao thông, cầu, cống, ngầm, trường học… thì phải khắc phục nhanh. Vừa qua có nhiều vùng, khu vực, hộ dân bị thiệt hại nặng do bão, có gia đình mất người thân nên cần phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau sau bão. Chúng ta rất cần sự chia sẻ, chung tay, giúp đỡ, ủng hộ của cả cộng đồng đối với những vùng bị thiệt hại nặng, những hộ khó khăn.

Ngoài ra, vấn đề học tập rất quan trọng. Hiện vẫn còn một số trường do ảnh hưởng của lũ phải cho học sinh nghỉ học. Trước mắt cần sớm có giải pháp an toàn đưa học sinh trở lại trường, bảo đảm chương trình năm học không bị gián đoạn.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trịnh Lan (thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chu-tich-ubnd-tinh-le-anh-duong-khong-de-bi-dong-bat-ngo-truoc-thien-tai-204416.bbg