Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đối thoại với công nhân, lao động và cán bộ Công đoàn

Ngày 14-6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tuyên dương công nhân, lao động, cán bộ Công đoàn (CĐ) tiêu biểu giai đoạn 2021 - 2023 và gặp gỡ, đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh năm 2024. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và 95 đại biểu đại diện cho 135.446 đoàn viên CĐ trong toàn tỉnh.

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của CNLĐ và trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ CĐ. Đồng thời, chia sẻ, trao đổi và gửi đến CNLĐ, cán bộ CĐ những thông điệp thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền trong việc chăm lo, xây dựng tổ chức CĐ, giai cấp công nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tạo niềm tin cho người lao động vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của chính quyền trong công cuộc đổi mới của đất nước và của tỉnh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

BÀY TỎ NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Tại buổi đối thoại, CNLĐ và cán bộ CĐ đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, việc làm, các chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động, phản ánh thực trạng tình hình của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp (DN) và những đề xuất kiến nghị với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của CNLĐ, cán bộ CĐ tại buổi đối thoại.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh trả lời các ý kiến, kiến nghị của CNLĐ, cán bộ CĐ tại buổi đối thoại.

Theo đó, Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Thành Trương Thanh Hòa đã đặt câu hỏi đến Chủ tịch UBND tỉnh liên quan nội dung hiện nay, trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Châu Thành nói riêng, có rất nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ, điều kiện sản xuất chưa đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), vệ sinh môi trường trong khi lực lượng thanh tra lao động chuyên ngành quá ít nên không thể kiểm tra, thanh tra để nhắc nhở, xử lý DN vi phạm. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh có những giải pháp để các DN trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nhằm giảm nguy cơ cháy nổ, tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp, ngộ độc thực phẩm cho người lao động.

Còn anh Huỳnh Minh Cảnh, Tổ trưởng Tổ Cơ khí, Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng (Khu công nghiệp Long Giang, huyện Tân Phước) có ý kiến, hiện nay, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề công nhân qua đào tạo của tỉnh còn hạn chế. Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, tỉnh có những chủ trương, cơ chế gì trong việc đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho CNLĐ kịp thời thích nghi với xu hướng phát triển chung của khoa học công nghệ.

Còn chị Trần Thị Kim Hòa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành) đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh có những giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện, trường học. Điển hình như huyện Châu Thành hiện nay đang thiếu 145 giáo viên ở các bậc học, trong đó mầm non 34 giáo viên, tiểu học 80 giáo viên, THCS 31 giáo viên.

TRỰC TIẾP TRẢ LỜI THẤU ĐÁO CÁC VẤN ĐỀ

Tại buổi gặp mặt, đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh đã trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, cũng như những khó khăn, vướng mắc của CNLĐ, cán bộ CĐ. Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh trả lời thấu đáo các ý kiến, vấn đề CNLĐ, cán bộ CĐ bày tỏ, đề xuất.

Với ý kiến về vấn đề ATVSLĐ, vệ sinh môi trường tại nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, các DN nhỏ và siêu nhỏ còn nhiều hạn chế trong việc quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 172 vụ TNLĐ, với 174 người bị TNLĐ, chết 6 người và bị thương nặng 53 người. Nguyên nhân các vụ TNLĐ là do vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc, khách quan khó tránh, tai nạn giao thông...

Cán bộ CĐ nêu ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại.

Cán bộ CĐ nêu ý kiến, kiến nghị, đề xuất tại buổi đối thoại.

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện ATVSLĐ trong quá trình sản xuất, hằng năm, UBND tỉnh đều có chỉ đạo các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó, giúp cho người lao động tiếp cận thường xuyên và tìm hiểu các quy định về ATVSLĐ, quy tắc vận hành, sử dụng máy móc, thiết bị, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng được các sở, ngành hết sức coi trọng.

Còn về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các DN, nhiều năm qua được đảm bảo, đầu năm 2024 đến nay chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại Khu công nghiệp Long Giang. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thông tin tuyên truyền, đặc biệt là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đảm bảo ATVSLĐ, vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Qua đó, xử lý hàng chục trường hợp có mẫu thức ăn không đạt yêu cầu.

Để tăng cường hiệu quả công tác đảm bảo ATVSLĐ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, trong thời gian tới, nhất là đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở LĐTB&XH phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương quan tâm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó chú ý về quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.

Đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trực quan, cụ thể, sát thực tế với công việc của người lao động như phát tờ rơi, loa phát thanh… Sở LĐTB&XH, Sở Y tế, LĐLĐ tỉnh và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Từ đó, kịp thời phát hiện các vi phạm, các nguy cơ mất an toàn, kịp thời yêu cầu khắc phục, ngăn ngừa sự cố, bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người lao động.

Qua ý kiến của CĐ viên phản ánh về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề người lao động của tỉnh hiện còn hạn chế, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, kết quả tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2023 đạt nhiều kết quả quan trọng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã tuyển sinh trên 12.900 học sinh, sinh viên và học viên, đạt 113,08% kế hoạch năm. Những năm qua, học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng sau khi tốt nghiệp có việc làm trên 87%; học viên trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng sau khi tốt nghiệp có việc làm trên 94%.

UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành các kế hoạch để cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 24 ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ đến năm 2025, định hướng năm 2030”.

Về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các huyện, trường học hiện nay, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh hoàn thành kế hoạch năm học được UBND tỉnh phê duyệt; chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững và nâng lên. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của học sinh Tiền Giang đạt 6,72 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT của tỉnh nhập học vào các cơ sở đào tạo là 50,2% (tỷ lệ chung cả nước là 48%). Năm 2024, tỉnh Tiền Giang đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về số lượng học sinh giỏi cấp quốc gia bậc THPT...

Cùng với những kết quả đạt được, ngành GD-ĐT tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là tình trạng thiếu giáo viên mà CĐ viên đã phản ánh. Qua rà soát, toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 900 giáo viên, chủ yếu thiếu giáo viên ở bậc học mầm non, tiểu học, các môn xã hội và các môn mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Nhằm củng cố, kiện toàn đội ngũ giáo viên cho giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2021, Sở GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổng rà soát về đội ngũ giáo viên toàn ngành.

Từ đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 1374 ngày 11-5-2022 phê duyệt “Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trong năm học 2024 - 2025 và thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án.

Đồng thời, tỉnh rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên để tham mưu UBND tỉnh liên hệ với các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Sư phạm. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích, hỗ trợ viên chức quản lý và giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn của tỉnh, nhất là ngành nghề, địa bàn khó tuyển dụng. Sở GD-ĐT, UBND các địa phương phải quan tâm có giải pháp, quyết liệt, linh hoạt giải quyết tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu giáo viên. Tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác tuyển dụng giáo viên (qua thi tuyển, xét tuyển) theo đúng quy định, quy trình, đảm bảo thực hiện kịp thời, đúng quy định các chế độ chính sách đối với nhà giáo…

LÝ OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202406/chu-tich-ubnd-tinh-tien-giang-doi-thoai-voi-cong-nhan-lao-dong-va-can-bo-cong-doan-1013234/