Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn: Yên Bái ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y
Sáng 9/1, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và chỉ đạo Hội nghị.Đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Ngành y tế hoàn thành vượt 3/3 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao, đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể Chính phủ giao
Năm 2023, vượt lên nhiều khó khăn, thách thức, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Ngành y tế đã hoàn thành vượt 3/3 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao năm 2023 (đạt 12,5 bác sĩ trên 10.000 dân; 32 giường bệnh trên 10.000 dân; 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt và vượt 7/9 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được nâng cao; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%.
Đại dịch COVID - 19 được kiểm soát, điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B từ ngày 20/10/2023. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch; đẩy mạnh phòng chống bệnh không lây nhiễm.
Yên Bái ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã tham luận nội dung "Phát triển y tế cơ sở và chuyển đổi số trong ngành y tế tỉnh Yên Bái”. Đồng chí nhấn mạnh: Bám sát quan điểm "Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng”, Yên Bái xác định ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. Tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, trong đó xác định y tế là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.
Trong lĩnh vực khám chữa bệnh, trên địa bàn tỉnh đã có 4 đơn vị công bố triển khai bệnh án điện tử; 199 cơ sở khám chữa bệnh triển khai việc khám chữa bằng căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng VNeID; 10 cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh, cấp huyện được đầu tư hệ thống phần cứng và nền tảng triển khai khám chữa bệnh từ xa. Đến nay, 100% bệnh viện thực hiện thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe từ tháng 1/2023.
Trong phòng bệnh và quản lý sức khỏe người dân, 100% xã, phường, thị trấn triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; trên 80% người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử.
Đề nghị sớm hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành y tế
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành y tế và triển khai đồng bộ để các địa phương thống nhất tổ chức thực hiện; hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân và cơ sở dữ liệu tiêm chủng, cơ sở dữ liệu đơn thuốc điện tử, cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc.
Cùng với đó, đồng chí đề nghị Bộ sớm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, khung giá cho các dịch vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ tiếp tục bổ sung chế độ, chính sách cho cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở, có chính sách giữ chân cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở gắn bó lâu dài.
Tăng tốc, bứt phá, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về ngành y
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã biểu dương những kết quả toàn ngành y tế đạt được trong năm qua, đặc biệt là nỗ lực chiến thắng đại dịch COVID-19; phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, ngành luôn có nhiều biện pháp hiệu quả để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiều kỹ thuật mới được triển khai.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị năm 2024, ngành y tế cần tăng tốc, bứt phá, tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về ngành y, xây dựng và ban hành hướng dẫn Luật Khám chữa bệnh, trình Chính phủ sửa đổi Luật Dược; hoàn thành xây dựng cơ chế cung ứng, dự trữ các loại thuốc hiếm; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo đủ các loại văc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tập trung kiểm soát các loại dịch bệnh, nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; đẩy mạnh xây dựng Đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh, bác sỹ gia đình; mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả; rà soát sắp xếp đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định; tăng cường phân cấp phân quyền, năng lực giám sát; nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; chú trọng thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao gắn bó lâu dài với ngành y tế...