Chủ tịch UBND TP.HCM: Đô thị đa trung tâm đã có ý tưởng vì sao chưa làm được?
Mô hình đô thị đa trung tâm của TP.HCM sẽ được tổ chức theo năm vùng đô thị và được ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhất để xây dựng ý tưởng quy hoạch.
Phát biểu tại Hội nghị Báo cáo lần 3 - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 sáng 28-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị tư vấn, chuyên gia phân tích sâu hơn về mô hình đô thị đa trung tâm.
Lưu ý tính đồng bộ của các quy hoạch
"Về không gian phát triển, hôm nay chúng ta tiến thêm bước nữa hoàn thiện về mô hình phát triển đô thị đa trung tâm. Chúng ta cần xem thành phần của các đô thị đa trung tâm này, các điều kiện để kết nối, phát huy, các đặc điểm cần khắc phục. Tại sao thời gian qua chúng ta đã có ý tưởng này rồi nhưng không thực hiện được mà vẫn là vết dầu loang?" - ông Mãi đặt vấn đề.
Ông Mãi cũng đề nghị tư vấn cần làm rõ và báo cáo rõ, đồng thời xin ý kiến hội nghị phân tích sâu các ý này về mô hình đô thị đa trung tâm.
Trước đây, năm 2020, khi làm điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025, ý tưởng TP.HCM phát triển theo mô hình đa cực đã có với trung tâm là lõi TP và phát triển theo các cực: Đông, Nam, Tây, Bắc.
Hồi năm 2009, trong dự thảo báo cáo về phát triển đô thị TP.HCM của Sở Xây dựng thì TP sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa tâm với trung tâm TP và các hướng Đông Bắc, Nam - Đông Nam, Bắc - Tây Bắc, Tây Nam.
Ông Mãi cũng lưu ý vừa rồi Bộ KH-ĐT đã chủ trì và có bản gần cuối về quy hoạch vùng Đông Nam Bộ. Như vậy, với quy hoạch chiến lược quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, quy hoạch kinh tế xã hội TP.HCM (đến năm 2030, tầm nhìn 2050) và nay đang bàn đến hoàn thiện quy hoạch chung TP.HCM. Do đó, tính đồng bộ giữa các quy hoạch này là rất quan trọng.
"Tính động tính mở trong liên kết vùng như thế nào? Tôi rất mong chuyên gia, tư vấn xác định chúng ta động đến đâu, mở đến đâu để mở không gian phát triển, tạo động lực phát triển và khả thi trong kỳ quy hoạch. Nếu chúng ta xác định không rõ thì rất lúng túng trong việc tổ chức triển khai" - ông Mãi lưu ý.
Đô thị đa trung tâm với 5 vùng đô thị
Ông Mãi cũng cho rằng yếu tố công nghệ trong ý tưởng quy hoạch sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quy hoạch. Tinh thần là thành phố sẽ ứng dụng công nghệ cao nhất có thể để tối đa hóa nguồn lực.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam lưu ý vùng Đông Nam Bộ rất rộng lớn nên trình bày của tư vấn, chuyên gia cần nói rõ hơn vị thế của TP.HCM trong vùng Đông Nam Bộ và vị trí TP toàn cầu của TP.HCM là như thế nào, vị thế kinh tế biển của TP ra sao.
"Ngoài ra, tính chất quy mô, tính toán dân số với TP là rất quan trọng. Hiện nay, dân số TP đã đạt gần 10 triệu người, tới 2030 cách tính toán như thế nào, quy mô đất đai ra sao để phù hợp với dân số này. TP.HCM là TP sông nước nên phải đặt sông Sài Gòn trở thành biểu tượng của TP, tạo nên vị thế cho TP" - ông Chính góp ý.
Báo cáo tại hội nghị hôm nay, liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity cho biết mô hình đô thị đa trung tâm TP sẽ được tổ chức theo năm vùng đô thị.
Năm vùng đô thị này với mô hình đa trung tâm gồm: trung tâm chính là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, TP Thủ Đức với khu Trường Thọ - Rạch Chiếc, TP phía Nam với trung tâm Phú Mỹ Hưng mở rộng về phía Nam, TP phía Tây với trung tâm là khu vực Tân Kiên (huyện Bình Chánh), TP Phía Bắc với trung tâm là khu vực giao giữa vành đai 3 và Quốc lộ 22 đến đường cao tốc Mộc Bài - TP.HCM.