Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong: 'Cải cách hành chính phải gắn liền chuyển đổi số'

Tại hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư của TP. HCM diễn ra vào chiều ngày 7/5, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục trong công tác cải cách hành chính.

Nhìn nhận những hạn chế để khắc phục, đột phá

Còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn

Báo cáo công tác cải cách hành chính năm 2020, nhiệm vụ năm 2021, ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở Nội vụ TP. HCM cho biết, năm 2020 tổng số hồ sơ TP. HCM nhận giải quyết là gần 20,3 triệu hồ sơ. Trong đó tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn là 99,72%.

So với năm 2019, số lượng hồ sơ tiếp nhận năm 2020 giảm gần 1 triệu hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tăng 0,01%. Số lượng Thư xin lỗi cũng giảm 4,73% so với năm 2019.

Tổng số dịch vụ công trực tuyến tính đến tháng 12-2020 là 802/1.807 thủ tục hành chính, đạt 44,38%. TP. HCM cũng tiếp nhận hơn 291.000 hồ sơ trực tuyến đăng ký doanh nghiệp trên mạng, đạt tỷ lệ 90%.

TP. HCM đạt nhiều kết quả tích cực trong đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính và xác định rõ thời gian thực hiện mỗi thủ tục hành chính ở từng cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác cải cách hành chính năm 2020 TP. HCM tiếp tục ghi nhận có những phản ánh của người dân và doanh nghiệp về tình trạng giải quyết hồ sơ hành chính kéo dài, cũng như không giải quyết triệt để, thỏa đáng các phản ánh, kiến nghị hợp lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy hoạch, giao thông và việc làm có yếu tố nước ngoài…

Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan đơn vị trong giải quyết hồ sơ, công việc. Vẫn còn hiện tượng người đứng đầu cơ quan đơn vị còn sợ trách nhiệm khi giải quyết yêu cầu của cá nhân, doanh nghiệp….

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính.

15 ngày làm việc không trả lời thì phải chịu trách nhiệm

Về những hạn chế, Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong xác nhận, “hạn chế lớn nhất” là sự phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn, các quận, huyện, TP Thủ Đức vẫn chưa thật sự thông suốt, nhịp nhàng. Tình trạng người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ nhiều lần vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.

TP. HCM cũng chưa có chuyển biến mạnh mẽ trong khắc phục tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư và lý lịch tư pháp. Hiện nay vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện Thư xin lỗi.

Nhận rõ những hạn chế, Chủ tịch UBND TP. HCM yêu cầu các cơ quan đơn vị quán triệt thật nghiêm một số chỉ đạo. Cụ thể, nếu quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan theo đúng Quy chế làm việc của UBND TP. HCM đã ban hành.

Đồng thời cần thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng.

Bên cạnh đó, khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, phục vụ.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của TP. HCM.

Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã đóng góp 54,7% vào Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khu vực kinh tế có vốn nước ngoài đóng góp 19%, khu vực kinh tế Nhà nước đóng góp 13,5%.

"Với ý nghĩa và tầm quan trọng đó, cải cánh hành chính phải đột phá vào việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. Tôi yêu cầu các sở, ngành liên quan trực tiếp đối với các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và phải đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư”, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Các sở ngành được Chủ tịch UBND TP. HCM chỉ ra là Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường… Theo ông Phong, các chỉ tiêu cải cách hành chính mà các đơn vị này đề ra phải cao hơn so với chỉ tiêu chung của TP. HCM.

Cho rằng Covid-19 cũng là “cơ hội trong khó khăn” để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh công tác cải cách hành chính của TP. HCM phải gắn liền với chuyển đổi số. Đây là cơ sở quan trọng để đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của TP. HCM.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-ubnd-tp-hcm-nguyen-thanh-phong-cai-cach-hanh-chinh-phai-gan-lien-chuyen-doi-so-post132195.html