Chủ tịch UBND xã được giao chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường

Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường, chỉ định người chỉ huy và người phát ngôn về sự cố môi trường cấp xã xảy ra trên địa bàn của mình, theo Nghị định 131 của Chính phủ.

Theo Nghị định 131 của Chính phủ năm 2025 phân định thẩm quyền của Chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Chủ tịch UBND xã được giao 5 thẩm quyền trong lĩnh vực môi trường.

Bên cạnh thẩm quyền về chỉ đạo, ứng phó sự cố môi trường, Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền xác định sự cố chất thải, chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải theo quy định.

Chủ tịch xã cũng có thẩm quyền thành lập đoàn kiểm tra đột xuất không báo trước theo quy định, thành lập tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố chất thải cấp xã ngay sau khi sự cố xảy ra theo Quy chế ứng phó sự cố chất thải.

Chủ tịch xã cũng có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường đối với các dự án, cơ sở trên địa bàn.

Trong lĩnh vực môi trường, Nghị định 131 cũng giao 13 thẩm quyền cho UBND cấp xã như công bố sự cố môi trường, tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường đối với sự cố môi trường cấp xã, chỉ đạo tổ chức thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải trên địa bàn. Công khai kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp xã trên Cổng thông tin điện tử của xã đồng thời gửi cho cơ quan trên địa bàn và cấp trên trực tiếp.

Đồng thời, tổ chức theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, khoanh vùng, xử lý, cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường tại các điểm, khu vực ô nhiễm trên địa bàn nông thôn.

Sự cố cháy nhà máy Rạng Đông ngày 28/8/2019 tại Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Ảnh: Mạnh Thắng.

Sự cố cháy nhà máy Rạng Đông ngày 28/8/2019 tại Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Ảnh: Mạnh Thắng.

UBND xã cũng được giao yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình, có trách nhiệm đề nghị UBND cấp tỉnh tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái.

UBND xã cũng được giao lập danh mục các cụm công nghiệp không có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung trên địa bàn, tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề, đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân.

UBND xã cũng có thẩm quyền quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bảo đảm tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt, quản lý công tác thu gom và xử lý chất thải quy mô cấp xã cũng như đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, thu gom và xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn.

UBND xã cũng có thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, chủ cơ sở trong cụm công nghiệp, thực hiện giải quyết hoặc phối hợp xử lý thủ tục đầu tư, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét các dự án mới hoặc dự án đang hoạt động nâng công suất có phát sinh nước thải trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cụm công nghiệp.

Nguyễn Hoài

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chu-tich-ubnd-xa-duoc-giao-chi-dao-ung-pho-su-co-moi-truong-post1756976.tpo