Chủ tịch UNESCO Việt Nam: Các bạn trẻ có thể phát triển du lịch dựa trên các di sản

Với hơn 40.000 di tích, trong đó có rất nhiều di sản được UNESCO ghi danh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa.

Làm thế nào để du lịch văn hóa phát triển và những “sứ giả văn hóa” thuộc giới trẻ ở Việt Nam có thể phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa… Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thu Hà/TTXVN

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thu Hà/TTXVN

Là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, xin Thứ trưởng chia sẻ các nước đã khai thác danh hiệu UNESCO trong việc phát triển du lịch văn hóa như thế nào?

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của nhân loại, UNESCO đã đưa ra nhiều loại hình danh hiệu đa dạng trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn từ di sản văn hóa và thiên nhiên, di sản phi vật thể, tư liệu đến các khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất toàn cầu, các danh hiệu thành phố sáng tạo, thành phố học tập, thành phố vì hòa bình… Việc sở hữu danh hiệu của UNESCO không chỉ là sự công nhận về giá trị văn hóa, lịch sử và phong cảnh tự nhiên của một địa phương hay một quốc gia, mà còn là một yếu tố có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách quốc tế. Các danh hiệu này đã và đang góp phần quan trọng hình thành nên thương hiệu của mỗi quốc gia, địa phương và có sự đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.

Hiện nay trên thế giới tồn tại nhiều loại hình du lịch khác nhau, được phân loại theo mục đích, cách thức tổ chức, lãnh thổ, vị trí địa lý, trong đó du lịch văn hóa là phổ biến và được các nước hết sức quan tâm. Đây là một trải nghiệm du lịch với mục đích khám phá, tìm hiểu về những giá trị văn hóa đặc trưng tại một địa phương hay một quốc gia. Do đó, việc một địa danh hay di tích nào đó trở thành một “thương hiệu” được UNESCO ghi nhận sẽ là một “điểm cộng”, lợi thế quan trọng đối với quyết định lựa chọn điểm đến của các du khách.

Ngoài ra, danh hiệu của UNESCO cũng mang lại sự hỗ trợ quý báu từ cộng đồng quốc tế cho các quốc gia về kinh phí, nhân lực và kỹ thuật để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, góp phần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch nói chung và tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.

Thực tế cho thấy các quốc gia có ngành du lịch phát triển và thu hút một lượng lớn khách du lịch hiện nay đều là các quốc gia sở hữu nhiều danh hiệu của UNESCO, như: Italy, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nhật Bản… Hội nghị thế giới của UNESCO về Chính sách văn hóa và phát triển bền vững MONDIACULT tại Mexico vào tháng 9/2022 công bố một số số liệu rất đáng chú ý như: trên hành tinh chúng ta, hiện có 10 triệu km2 là di tích văn hóa và thiên nhiên hiện đang được bảo vệ bởi các danh hiệu UNESCO, 90% các nước coi văn hóa là ưu tiên hàng đầu trong chính sách du lịch, 2.250 tỷ USD doanh thu được tạo ra bởi các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, 29,5 triệu việc làm được tạo ra bởi các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên toàn thế giới…

Tại Việt Nam, với hệ thống 68 di sản, danh hiệu được UNESCO ghi danh trải rộng trên tất cả 63 tỉnh, thành cũng đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng, mang lại những thay đổi toàn diện, tác động mạnh mẽ tới định hướng phát triển bền vững các địa phương có danh hiệu. Tôi xin lấy 2 ví dụ về Hà Giang và Ninh Bình. Lượng du khách đến Hà Giang đã tăng từ vài chục ngàn vào năm 2010 (năm bắt đầu được ghi danh) lên đến 3 triệu lượt khách vào năm 2023, đạt doanh thu trên 7.000 tỷ đồng. Hay như đối với Ninh Bình, tại thời điểm năm 2012 khi Quần thể Danh thắng Tràng An đang bước đầu lập hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Di sản chỉ đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch/năm, tuy nhiên sau 10 năm được UNESCO công nhận thì con số này đã tăng gấp 7 lần với gần 7 triệu lượt khách đến trong năm 2023. Danh hiệu cũng đã góp phần quan trọng tạo thêm sinh kế mới cho người dân trong vùng với trên 10.000 người lao động trực tiếp và 20.000 người lao động gián tiếp tại khu vực di sản.

Đoàn chuyên gia UNESCO cùng lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Lạng Sơn thực địa tại hang Keng Tao, Khu Du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Vũ Văn Đạt/TTXVN

Đoàn chuyên gia UNESCO cùng lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Lạng Sơn thực địa tại hang Keng Tao, Khu Du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Vũ Văn Đạt/TTXVN

Xin Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã và đang làm gì để người dân, đặc biệt là các bạn trẻ khai thác các di tích, danh thắng đã được UNESCO công nhận nhằm phát triển du lịch?

Đối với Việt Nam những danh hiệu di sản cao quý mà UNESCO đã vinh danh trở thành lợi thế quan trọng và là nguồn lực dồi dào để chúng ta có thể xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, có tính cạnh tranh cao, tăng sức hút với du khách. Để biến giá trị các di sản này thành nguồn lực cho phát triển, chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp để người dân, đặc biệt là các bạn trẻ có thể khai thác và phát triển du lịch dựa trên các di sản này.

Thứ nhất, về chính sách: có thể thấy rõ từ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, qua đó nhằm khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của con người cũng như coi trọng giá trị văn hóa, đặc biệt là giá trị các danh hiệu di sản. Trên tinh thần chỉ đạo đó, các bộ ngành, địa phương đã ban hành nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy và khuyến khích phát triển du lịch bền vững gắn với danh hiệu di sản UNESCO. Thủ tướng Chính phủ ban hành một loạt Chiến lược quan trọng, trong đó Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030 với phương châm lấy địa phương, người dân, doanh nghiệp là trung tâm. Hay mới đây là Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ cũng nhận định “du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”.

Thứ hai, công tác giáo dục và nâng cao nhận thức được triển khai với nhiều hoạt động ngoại khóa tại các trường học nhằm cung cấp cho các bạn học sinh, sinh viên kiến thức và giá trị của di sản UNESCO qua đó thu hút các bạn trẻ sớm tham gia vào việc phát huy giá trị di sản thông qua phát triển du lịch.

Thứ ba là việc quan tâm và sẵn sàng tạo điều kiện để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp du lịch dành cho giới trẻ, đặc biệt là các dự án liên quan đến khai thác di sản văn hóa. Các chương trình đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật được cung cấp để giúp các bạn trẻ phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch sáng tạo.

Thác Bản Giốc gồm nhiều các tầng thác nhỏ gộp lại (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Thác Bản Giốc gồm nhiều các tầng thác nhỏ gộp lại (Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Ông đánh giá như thế nào về vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong phát triển du lịch văn hóa ở Việt Nam?

Ngày nay, việc khai thác giá trị của các danh hiệu, di sản UNESCO vào phát triển kinh tế, du lịch là nhiệm vụ quan trọng của mỗi địa phương và được UNESCO khuyến khích thực hiện, với tinh thần sáng tạo, mới mẻ nhưng cần đảm bảo giữa bảo tồn và phát triển, như cam kết với UNESCO. Xu hướng gắn du lịch với phát triển bền vững, du lịch xanh, du lịch bản sắc văn hóa đang trở nên phổ biến và được du khách thế giới hưởng ứng mạnh mẽ. Nó cũng đòi hỏi người làm du lịch có những cập nhật xu thế và tinh thần đổi mới sáng tạo thường xuyên. Do đó thanh niên, những người trẻ ở Việt Nam đang đứng trước những cơ hội quan trọng đảm trách những nhiệm vụ này. Các bạn trẻ Việt Nam ngày nay là những người có nhiệt huyết, sức khỏe và sự nhạy bén; sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ, các nền tảng xã hội để quảng bá các giá trị văn hóa; đồng thời người trẻ cũng có điều kiện và sự sẵn sàng cho việc học hỏi những xu thế mới, dám bước ra khỏi vùng an toàn để sáng tạo cách làm mới.

Du lịch Ninh Bình gần đây thành công rực rỡ là có sự đóng góp quan trọng của các bạn trẻ “Gen Z” với các trào lưu du lịch xanh, hay du lịch chữa lành được quảng bá, xúc tiến trên các nền tảng công nghệ số như Facebook, Tiktok, Intergram cùng sự đầu tư, làm mới các sản phẩm du lịch của những người trẻ tuổi, hay việc kết hợp làm du lịch gắn với những sáng tạo ứng dụng di sản văn hóa phi vật thể thông qua các tour du lịch ảo, video tương tác và các ứng dụng di động giúp người dùng khám phá các di sản một cách thuận tiện mà nhóm Kiến trúc sư Đinh Việt Phương đang triển khai ở Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Bên cạnh đó, tôi rất khuyến khích các bạn trẻ có thể làm du lịch gắn với lợi ích cộng đồng, đó là việc đưa du khách trải nghiệm nét đặc sắc văn hóa tại các địa phương, trải nghiệm các di sản phi vật thể, các lễ hội bản địa, đồng thời qua đó quảng bá được văn hóa, lịch sử đất nước con người Việt Nam và đóng góp trực tiếp cho cộng đồng. Câu chuyện của bạn thanh niên Sùng Mí Phìn người dân tộc Mông ở Đồng Văn (Hà Giang) đã thành công trong việc mạnh dạn lên ý tưởng làm du lịch bền vững, với cốt lõi là gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao ở Cao Nguyên đá Đồng Văn, đã thúc đẩy phát triển kinh tế của bà con vùng cao, cũng như tăng cường nhận thức về bảo tồn di sản.

Để có thể bắt kịp các xu thế của thế giới và làm tốt những yêu cầu trên, tôi cho rằng, các bạn trẻ đã có những lợi thế nhưng cần tích cực khai thác hơn nữa việc ứng dụng chuyển đổi số, nền tảng truyền thông xã hội, ứng dụng di động và hiệu ứng của mạng xã hội để quảng bá và giới thiệu các di sản UNESCO đến cộng đồng và du khách quốc tế. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ các bạn sẽ tiếp tục sáng tạo phương thức làm du lịch mới, góp phần khai thác những giá trị của di sản UNESCO tại Việt Nam cũng như quảng bá hình ảnh con người đất nước Việt Nam đến với bạn bè năm châu mạnh mẽ hơn.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguyễn Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/chu-tich-unesco-viet-nam-cac-ban-tre-co-the-phat-trien-du-lich-dua-tren-cac-di-san-20240806180016338.htm