Chủ tịch Vĩnh Long nói về động lực tăng trưởng từ 2 dự án giao thông lớn sắp khánh thành
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là hai dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới cho tỉnh Vĩnh Long.
Việc khánh thành và đưa vào khai thác dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khớp nối vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 24/12 tới giúp hiện thực hóa ước mơ của hàng triệu người dân miền Tây.
Tạo không gian phát triển, động lực tăng trưởng mới cho Vĩnh Long
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đều thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam phía đông. Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài gần 2km, được thiết kế bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT). Điểm đầu khớp nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và điểm cuối nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Còn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ qua địa phận hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp có chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được thiết kế với quy mô bốn làn xe, vận tốc 80 km/h. Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là đại diện chủ đầu tư.
Ngày 24/12 tới đây, hai dự án sẽ chính thức khánh thành, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP.HCM và Cần Thơ - hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Đồng thời, góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, xã hội cho các địa phương có dự án đi qua.
Là địa phương thụ hưởng lợi ích từ cả hai dự án, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh việc hai dự án đưa vào khai thác sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với địa phương.
Theo người đứng đầu UBND tỉnh Vĩnh Long, trong bối cảnh kinh tế của tỉnh đang phục hồi sau dịch Covid-19, mức tăng trưởng kinh tế năm 2023 của địa phương đạt thấp (tăng 2,61%), việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt 6,0%/năm là một khó khăn thách thức lớn đối với tỉnh.
Tuy nhiên, việc hai dự án trên đưa vào khai thác khai thác giúp giảm áp lực của cầu Mỹ Thuận hiện hữu và giao thông quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, giảm chi phí logistics và rút ngắn thời gian vận chuyển từ TP.HCM về tỉnh Vĩnh Long.
Bên cạnh đó, hai dự án này sẽ giúp tỉnh tạo ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư…
Từ đó, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 mà địa phương đã đề ra.
Hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Hậu
Từ những ý nghĩa đó, ông Ngời cho biết địa phương đã đề ra các nhiệm vụ, kế hoạch đón đầu những cơ hội phát triển này.
Cụ thể, Vĩnh Long tổ chức triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi…
Ưu tiên xây dựng trục động lực, các tuyến đường chính, các tuyến đường liên kết vùng như cầu Đình Khao, quốc lộ 53, 54, 57, đường 909B… tăng kết nối với tuyến cao tốc. Từ đó, từng bước hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế dọc sông Tiền và sông Hậu.
Cùng với đó, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đặc biệt là khu công nghiệp Đông Bình, khu công nghiệp Gilimex, khu đô thị, dịch vụ, du lịch trên các hành lang kinh tế này theo hướng xanh, bền vững.
Song song đó đầu tư các tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo quy hoạch để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh thu hút mời gọi đầu tư thực hiện dự án trong các khu công nghiệp hiện hữu như khu công nghiệp Hòa Phú, Bình Minh… và các khu công nghiệp đang đầu tư phát triển như khu công nghiệp An Định, các cụm công nghiệp theo quy hoạch tại các địa phương…