Chú trọng cả 'xây' và 'chống' - Bài cuối: Nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài
Trong nhiều hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) nhấn mạnh, đấu tranh PCTNTC là nhiệm vụ không thể chỉ làm một lần là xong mà phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, làm thường xuyên, liên tục... Tỉnh Tuyên Quang xác định, đây là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cần được các cấp ủy lãnh đạo xuyên suốt, không ngơi nghỉ và có chiến lược lâu dài.
Bài 1: Phòng ngừa từ sớm, từ xa
Huy động sức mạnh từ Nhân dân
Công tác PCTNTC đã phát huy tốt vai trò giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, MTTQ và các tổ chức thành viên, đặc biệt là của Nhân dân. Minh chứng rõ nét là nhiều vụ án tham nhũng, sai phạm của cán bộ được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng xuất phát từ tin báo, tố giác có giá trị, sự hỗ trợ tích cực của Nhân dân.
Theo thống kê của Ban Nội chính Tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh) cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay, trong số 30 vụ án/77 bị can phạm tội về tham nhũng được phát hiện, xử lý thì có tới 27 vụ/ 63 bị can được phát hiện, xử lý từ tin tố giác, tin báo của Nhân dân. Điển hình là vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Yên Hoa (Na Hang); vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa...
Đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang cho biết, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTNTC cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đồng thời, tham gia giám sát các hoạt động phòng, chống tham nhũng; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức các cuộc giám sát về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, MTTQ các cấp tổ chức gần 1.900 hội nghị với 537 lượt ý kiến của nhân dân tham gia vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), góp ý 160 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, đề án của các cơ quan, đơn vị địa bàn tỉnh. Đặc biệt, MTTQ các cấp đã chỉ đạo Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phát huy nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác giám sát ở cơ sở góp phần vào công tác PCTNTC ngay tại cơ sở.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Chợ Tổng, xã Đức Ninh (Hàm Yên) bày tỏ: "Cũng như bao người dân, tôi rất phấn khởi với kết quả quan trọng trong công tác PCTNTC do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã được thực hiện quyết liệt, liên tục, không ngừng nghỉ. Cuộc chiến chống "giặc nội xâm" trên phạm vi cả nước, cũng như trên địa bàn tỉnh thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, phát hiện sai phạm đến đâu xử lý nghiêm minh đến đó”. Với trách nhiệm Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, ông Nguyễn Đức Trọng đã trực tiếp tham gia giám sát thi công xây dựng cơ bản tại địa phương theo đúng tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Gần 2 năm qua, ông đã tham gia giám sát suốt trong quá trình triển khai công trình "thắp sáng đường quê” dài 1,5 km; đổ 2 tuyến đường bê tông dài gần 500 m, làm hàng rào khu nhà văn hóa gắn với sân thể thao thôn. Các công trình, hạng mục đều bảo đảm chất lượng, kinh phí công khai minh bạch được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ông Trọng chỉ là một trong rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã, đang phát huy tinh thần, trách nhiệm đối với công tác PCTNTC ngay ở cơ sở, góp phần tạo diện mạo mới cho thôn quê, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Ngăn chặn từ sớm, từ xa
Theo đồng chí Ma Phúc Đào, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Tuyên Quang: thời gian tới, kinh tế, xã hội có chuyển biến tích cực, trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều dự án, chương trình lớn. Do đó nếu không làm tốt công tác quản lý chặt chẽ rất có thể xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhất là ở cơ sở. Trước tình hình đó, tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra, nhất là ở cơ sở, các sai phạm mang tính hệ thống được ngăn chặn sớm.
Trong đó, trọng tâm là làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước; văn bản hướng dẫn của các sở, ban, ngành đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, cụ thể hơn, phù hợp với quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhằm góp phần "bịt kín" các sơ hở, thiếu sót dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Các lực lượng có chức năng chuyên trách trong PCTNTC dựa vào sức mạnh của Nhân dân, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện các vụ tham nhũng, tiêu cực. Khi phát hiện tham nhũng, tiêu cực thì tập trung quyết liệt chỉ đạo điều tra làm rõ xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính nhân văn trên tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Song song với đó, chú trọng việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, giảm thiểu thất thoát tài sản của Nhà nước.
Những năm qua, công tác PCTNTC của tỉnh có chuyển biến rõ rệt xuất phát từ hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Qua thanh tra đã phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức có sai phạm chuyển cơ quan điều tra. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu có sai phạm để kịp thời xử lý theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Đồng chí Khánh Thị Xuyến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh Tuyên Quang khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm như: quản lý đất đai, xây dựng, quản lý bảo vệ rừng... Đồng thời, thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, thủ trưởng các sở, ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ngành Thanh tra tỉnh cũng sẽ tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tiêu cực, tham nhũng thông qua công tác thanh tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Những kết quả trong công tác PCTNTC trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đến nay đã được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng, ủng hộ, đánh giá rất cao. Qua đó càng minh chứng, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước đối với cuộc chiến chống "giặc nội xâm" được thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ. Đây là yếu tố quan trọng tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của Nhân dân trong đấu tranh PCTNTC. Trong đó cần đặc biệt khơi dậy tinh thần chủ động, tự giác, tích cực tham gia giám sát, phát hiện tố giác các hành vi tham nhũng, tiêu cực của Nhân dân.