Chú trọng chất lượng đảng viên mới

Thực tế cho thấy công tác phát triển đảng viên mới hiện nay tồn tại một số trạng thái có phần tương phản nhau.

Chẳng hạn, ở các trường học, cơ quan, nguồn kết nạp Đảng khá phong phú, chỉ tiêu phát triển đảng viên mới thường đạt và vượt. Trong khi đó, ở các chi bộ khu dân cư, nguồn kết nạp Đảng khá mỏng; nhiều chi bộ hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị nhưng lại không đạt chỉ tiêu này...

Bên cạnh việc tích cực bồi dưỡng, phát triển Đảng ở đội ngũ công nhân, người lao động trực tiếp sản xuất… của nhiều cấp ủy thì cũng còn một số người trong lực lượng trí thức vẫn chưa phấn đấu để vào Đảng. Cá biệt, có trường hợp vào Đảng như một điều đương nhiên, do yêu cầu của tổ chức, sự "đẩy vào" của một số người có trách nhiệm để đạt chỉ tiêu… chứ không thể hiện rõ sự nỗ lực, rèn luyện.

Kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Văn phòng 2 Trường Đại học Công Thương TP HCM. Ảnh: LÊ VĨNH

Kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Văn phòng 2 Trường Đại học Công Thương TP HCM. Ảnh: LÊ VĨNH

Để việc phát triển Đảng đạt kết quả tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng, cần thực sự chú trọng công tác này. Ở tầm vĩ mô, cần có khảo sát của các cấp ủy, ban tổ chức cấp ủy về tình hình phát triển Đảng ở tổ chức Đảng của mình với những vấn đề như: loại hình tổ chức Đảng nào thuận lợi và không thuận lợi trong công tác phát triển Đảng và nguyên nhân vì sao. Nhóm đối tượng nào thể hiện rõ sự phấn đấu vào Đảng, nhóm đối tượng nào không thể hiện rõ, nguyên nhân vì sao. Tìm hiểu động cơ thực sự của các đảng viên mới; đâu là điểm mạnh và điểm yếu của đảng viên mới; cách thức phát huy điểm mạnh và biện pháp khắc phục điểm yếu của đảng viên mới.

Vai trò nêu gương của đảng viên có tác động như thế nào đối với việc phấn đấu vào Đảng của các cảm tình Đảng; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong công tác phát triển Đảng thể hiện như thế nào…

Trên cơ sở đó sẽ tìm ra được các giải pháp phù hợp đối với từng nhóm đối tượng, từng loại hình tổ chức Đảng và trong từng thời điểm cụ thể.

Về các giải pháp cụ thể, cần tiếp tục quan tâm thực chất công tác phát triển Đảng và đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Đẩy mạnh phát triển đảng viên, chú trọng kết nạp Đảng từ công nhân, trí thức, thanh niên. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức về mục đích, lý tưởng, nguyên tắc của Đảng, xác định đúng đắn động cơ vào Đảng của quần chúng ưu tú, bảo đảm chất lượng đảng viên mới kết nạp. Cán bộ, đảng viên đẩy mạnh việc nêu gương để thực sự hấp dẫn, thuyết phục quần chúng hăng hái đứng vào hàng ngũ của Đảng, gắn với thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng…

Bên cạnh đó, cần quan tâm một số giải pháp khác như: quán triệt nhận thức lấy tiêu chuẩn phẩm chất, sự phấn đấu, động cơ… làm trọng, thay vì quan tâm quá nhiều đến chỉ tiêu (cấp ủy cấp trên không nên đề ra chỉ tiêu quá cao cho cấp ủy cấp dưới). Có nhiều giải pháp tạo nguồn, rèn luyện, thử thách và môi trường phấn đấu cho các cảm tình Đảng; tránh việc vào Đảng theo tuần tự (hết người này đến người khác mà không chú trọng nhiều đến sự nỗ lực thực sự). Ở những cơ quan, đơn vị cần những cán bộ ưu tú thì phải siết chặt chất lượng đầu…

Dĩ nhiên, cần thực hiện tốt công tác sàng lọc để đưa ra khỏi Đảng những đảng viên suy thoái, vi phạm nghiêm trọng, không còn tha thiết với tổ chức Đảng… Có như vậy, tổ chức Đảng mới thực sự tinh và mạnh!

Trịnh Minh Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-trong-chat-luong-dang-vien-moi-196240609204849342.htm