Chú trọng chính sách dành cho người có công trên địa bàn tỉnh

Trong chuyên mục 'Dân hỏi - Chính quyền trả lời' kỳ này, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn (ảnh) thông tin về các hoạt động chăm lo cho gia đình chính sách, người có công dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Đặng Hồng Sơn.

- Phóng viên: Năm 2024, tỉnh thực hiện chính sách cho thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công… như thế nào?

- Đồng chí Đặng Hồng Sơn: Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được Tỉnh ủy, UBND tỉnh hết sức quan tâm thực hiện. Căn cứ Pháp lệnh ưu đãi người có công và nghị định có liên quan đến chính sách đối với người có công, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong năm 2024. 15 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa trên địa bàn từng huyện, thành phố và quan tâm đầu tư nguồn lực để chăm lo cho đời sống người có công trên địa bàn tỉnh.

- Phóng viên: Công tác vận động xây nhà ở cho người có công đạt được kết quả ra sao?

- Đồng chí Đặng Hồng Sơn: Ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho người có công trên địa bàn tỉnh, với kinh phí thực hiện 150 tỷ đồng. Tỉnh đã triển khai xây dựng, sửa chữa được 2.566 căn nhà, khoảng 120 tỷ đồng, đáp ứng được một phần nhu cầu về nhà ở cho người có công hiện nay.

Ngoài nguồn vốn ngân sách được bố trí theo đầu tư công, các huyện, thành phố vận động xã hội hóa, bố trí bổ sung thêm nguồn kinh phí cho các căn nhà cho gia đình chính sách, với kinh phí vận động khoảng 70 tỷ đồng.

- Phóng viên: Tỉnh có những hoạt động gì dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ?

- Đồng chí Đặng Hồng Sơn: Thứ nhất, trong kế hoạch triển khai các hoạt động đền ơn đáp nghĩa năm 2024 của tỉnh có nhiều nội dung, trong đó hoạt động chính là triển khai, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là triển khai Pháp lệnh ưu đãi người có công và nghị định quy định cụ thể hóa thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, nghị định về các chế độ, chính sách cho người có công.

Thứ hai, tỉnh tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, người có công vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi, các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ trên địa bàn.

Thứ ba, tỉnh thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công, vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa để hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa.

Thứ tư, tỉnh tổ chức đoàn thăm hỏi Đội K92 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia để đưa về nước an táng.

Thứ năm, tỉnh tổ chức đoàn người có công tiêu biểu dự họp mặt kỷ niệm 77 năm ngày thương binh - liệt sĩ tại thủ đô Hà Nội và tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân trên địa bàn các huyện, thành phố.

Thứ sáu, tỉnh chăm lo sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ như đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hòn Đất; tổ chức 15 đoàn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đi thăm, tặng quà của Chủ tịch nước cho các gia đình chính sách trên địa bàn các huyện, thành phố.

- Phóng viên: Thời gian tới, để công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện ngày càng tốt hơn, tỉnh chú trọng thực hiện những hoạt động gì?

- Đồng chí Đặng Hồng Sơn: Có thể nói rằng công tác đền ơn đáp nghĩa trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến rất tích cực và được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, vì vậy các ngành, địa phương thời gian tới cần thực hiện tốt các giải pháp cụ thể như:

Thứ nhất là tiếp tục triển khai thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công, đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người công, các nghị định của Chính phủ thực hiện pháp lệnh.

Thứ hai là thực hiện tốt các quy định về chế độ trợ cấp, ưu đãi người có công hiện nay, tổ chức tiếp nhận, thẩm định, đối thoại, xét duyệt, giải quyết hồ sơ của người có công.

Thứ ba là đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm hơn nữa công tác chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để chăm lo tốt hơn cho đời sống của người có công trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động chi trả trợ cấp hoạt động đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công.

Thứ năm là hàng năm, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh tổ chức các đoàn người có công đi tham quan, điều dưỡng tại thủ đô Hà Nội và các trung tâm điều dưỡng trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố.

- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!

TÂY HỒ thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/chu-trong-chinh-sach-danh-cho-nguoi-co-cong-tren-dia-ban-tinh-21540.html