Chú trọng chủ trì xây dựng đề án về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội

Ngày 21/7/2021, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị HOÀNG ĐỨC THẮNG đã tham gia phát biểu ý kiến, nội dung như sau:

 Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường - Ảnh: P.T

Đại biểu Hoàng Đức Thắng phát biểu tại hội trường - Ảnh: P.T

Thứ nhất, giám sát là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội. Hoạt động giám sát tối cao nói riêng và tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nhằm bảo đảm cho chính sách pháp luật được thực thi, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ đúng pháp luật. Trong nhiều năm qua, hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới. Nội dung tập trung vào những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống. Phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề. Các chuyên đề giám sát được xây dựng theo kế hoạch hằng năm và được kỳ họp giữa năm của năm trước xem xét quyết định tương tự như chương trình xây dựng pháp luật hằng năm của Quốc hội. Với cách làm như vậy, Quốc hội sẽ chọn ra những vấn đề cấp thiết, bức xúc mà thực tiễn cuộc sống đặt ra để quyết định lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát. Tuy nhiên, cách làm này chỉ giải quyết những vấn đề có tính ngắn hạn hằng năm mà chưa nhìn thấy định hướng rõ nội dung giám sát cho cả một giai đoạn, một nhiệm kỳ của Quốc hội có tầm nhìn bao quát và tổng thể. Hay nói cách khác là việc xây dựng nội dung chương trình giám sát chuyên đề đang theo kiểu “ăn đong” hằng năm, đã và đang phát sinh nhiều vấn đề hết sức bất cập, hạn chế, cần được xem xét, nghiên cứu và đổi mới. Vì vậy, tôi thống nhất với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ trì xây dựng đề án về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và cần thực hiện ngay trong năm đầu nhiệm kỳ này. Theo đó, đề án cần định rõ định hướng, xác định nội dung có tính tổng quan cho hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội. Trên cơ sở đó, hằng năm Quốc hội sẽ xem xét, lựa chọn, quyết định các nội dung chuyên đề giám sát cụ thể, có lộ trình, bảo đảm có tầm nhìn toàn diện và căn bản hơn. Trong trường hợp tình hình phát sinh đột xuất thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo với Quốc hội để điều chỉnh, bổ sung nội dung giám sát một cách linh hoạt và phù hợp.

Thứ hai, tôi thống nhất cao với báo cáo tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, nhất là 4 chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp, phân tích, lựa chọn trình Quốc hội. Đó là những vấn đề hết sức cấp thiết đặt ra hiện nay, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, rất thuyết phục. Vấn đề lựa chọn Chuyên đề 1, 2, 3 hay là 4 thì các đại biểu sẽ nghiên cứu và thể hiện chính kiến của mình. Tuy nhiên, ở Chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung sau đây: Giám sát việc giải quyết các vấn đề, vụ việc, vụ án bức xúc kéo dài, những vấn đề cử tri ở nhiều địa phương quan tâm được các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội kiến nghị qua nhiều kỳ họp Quốc hội mà chưa được giải quyết hoặc giải quyết không dứt điểm, thỏa đáng. Đơn cử như vụ án gỗ ở Quảng Trị xảy ra cách đây gần 10 năm, với nhiều vi phạm của các cơ quan tố tụng, có dấu hiệu oan sai mà dư luận xã hội, Nhân dân, cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh, nhiều đại biểu Quốc hội đã báo cáo giám sát, kiến nghị rất nhiều lần, rất nhiều năm, rất nhiều kỳ họp của Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị gần đây, trước kỳ họp này đã báo cáo, kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát kết luận, trả lời thỏa đáng, nếu không sẽ tạo thêm bức xúc, ảnh hưởng lớn đến niềm tin của cử tri và Nhân dân với hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, cần áp dụng và vận hành cơ chế hoạt động của Ủy ban lâm thời của Quốc hội được quy định tại Điều 88, 89 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2020 để lựa chọn một số vụ việc, vụ án tiêu biểu đưa vào chương trình giám sát đặc biệt trong nhiệm kỳ của Quốc hội, để giúp cho công lý được bảo vệ, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân được bảo vệ như pháp luật đã quy định.

Phương Thanh (tổng hợp)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=159283&title=chu-trong-chu-tri-xay-dung-de-an-ve-doi-moi-hoat-dong-giam-sat-cua-quoc-hoi