Chú trọng đảm bảo vệ sinh môi trường các chợ truyền thống
Xã hội phát triển, ngày càng có nhiều loại hình thương mại dịch vụ hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, tuy nhiên, chợ truyền thống vẫn là nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống của người dân Xứ Lạng. Chợ vừa là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, vừa là nơi giao lưu văn hóa của người dân. Chính vì vậy, thời gian qua, việc đầu tư phát triển toàn diện hạ tầng chợ, trong đó có công tác đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề quan trọng được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 82 chợ truyền thống, trong đó có 2 chợ hạng 1, 11 chợ hạng 2, 69 chợ hạng 3; có khoảng 30 chợ hạng 3 chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh từ ban quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX). Trong đó, tỷ lệ chợ họp theo phiên còn khá cao, trừ một số chợ hạng 1, hạng 2 tại thành phố Lạng Sơn và trung tâm thị trấn các huyện họp hằng ngày. Dù là chợ họp hằng ngày hay các chợ phiên cũng đều thu hút đông người dân tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa. Điều này dẫn đến lượng rác thải phát sinh lớn (bình quân mỗi phiên chợ phát sinh từ 3 đến 8 m3 rác thải). Vì vậy công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các chợ được các ngành, các huyện, thành phố đặc biệt quan tâm.
Đơn cử như chợ Khánh Khê, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan đã được chuyển đổi mô hình, giao cho HTX Hà Phát Khánh Khê đầu tư xây dựng, quản lý và bắt đầu khai thác từ năm 2023. Hiện tại, toàn bộ nền chợ với diện tích gần 1.900m2 được bê tông hóa sạch sẽ, có hệ thống thoát nước; công trình nhà vệ sinh tự hoại kiên cố với diện tích 20 m2; việc thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường khu vực chợ được HTX phân công thành viên thực hiện đều đặn trước và sau mỗi phiên chợ, rác thải được đưa đến thu gom đến điểm tập kết và vận chuyển đến nơi xử lý tập trung theo quy định (bình quân mỗi phiên phát sinh khoảng 3 - 4 m3 rác thải).
Hay như tại chợ Vũ Sơn, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, công tác vệ sinh môi trường cũng được triển khai hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Chung, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp Bảo Long Vũ Sơn, Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Vũ Sơn cho biết: Năm 2021, chợ Vũ Sơn được HTX xây dựng với tổng mức đầu tư gần 7 tỷ đồng. Đến năm 2022 chợ được đưa vào khai thác sử dụng. Trung bình mỗi phiên chợ thu hút gần 200 tiểu thương. Để chợ hoạt động hiệu quả, bên cạnh đầu tư các hạng mục như khu ki - ốt, nhà vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước…, ngay khi chợ đi vào hoạt động, HTX đã kí kết hợp đồng thu gom, xử lý rác thải tại chợ với Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Thương mại Phúc Lộc (bình quân mỗi phiên phát sinh khoảng 2 - 3m3 rác thải các loại). Nhờ đó, công tác vệ sinh môi trường chợ luôn được đảm bảo sạch sẽ.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay, đối với các chợ đã được đầu tư nâng cấp hạ tầng, chuyển đổi mô hình quản lý (chiếm khoảng 50%) đều có các hạng mục công trình đầy đủ như nhà chợ chính; nền chợ được bê tông hóa; khu vệ sinh; hệ thống nước sạch; khu thu gom và xử lý rác, hệ thống rãnh thoát nước... Trong đó, có khoảng 34/82 chợ đã có đơn vị hợp đồng thu gom, xử lý rác thải thường xuyên.
Đối với các chợ chưa được đầu tư, nâng cấp hạ tầng hoặc đang trong quá trình xây dựng phương án đầu tư (khoảng 50% tổng số chợ), chính quyền cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và chỉ đạo ban quản lý các chợ thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường; thành lập tổ công tác thực hiện vấn đề vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải sau mỗi phiên chợ. Sau thu gom, rác thải được tập kết tại nơi quy định của từng chợ và vận chuyển đến nơi xử lý tập trung. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe cho tiểu thương và người dân đến mua bán, trao đổi hàng hóa tại các chợ.
Ông Lâm Văn Tú, tiểu thương kinh doanh tại chợ Pác Khuông, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia chia sẻ: Tôi kinh doanh tại chợ Pác Khuông đã hơn 5 năm nay, mỗi phiên chợ lượng người đến kinh doanh, buôn bán rất đông. Từ năm 2020 đến nay, công tác vệ sinh môi trường được Ban Quản lý chợ quán triệt đến từng cá nhân. Cùng đó, do các phiên chợ có lượng rác thải phát sinh nhiều (5 - 8 m3) nên việc thu gom, xử lý rác thải được ban quản lý chợ phối hợp với một đơn vị tư nhân trên địa bàn xã thực hiện sau mỗi phiên chợ nên khu vực chợ luôn sạch sẽ. Cá nhân tôi cũng như các hộ kinh doanh tại chợ rất phấn khởi và yên tâm kinh doanh buôn bán lâu dài.
Ông Lã Đức Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Hiện tại, phòng tiếp tục tham mưu sở tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển hạ tầng chợ miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Để triển khai đề án được sát thực, bên cạnh việc chủ động tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác quản lý, hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh, phòng cũng thường xuyên tiếp nhận các văn bản đề xuất, kiến nghị từ các huyện, thành phố về tình hình thực tế tại các chợ, trong đó có công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, từ đó hỗ trợ, tư vấn xây dựng phương án đầu tư phát triển hạ tầng một cách hợp lý, kịp thời, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung ở cấp cơ sở cũng như thực hiện các mục tiêu chung của tỉnh đề ra.
Hiệu quả từ công tác vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý rác thải tại các chợ đã góp phần tạo môi trường kinh doanh thoáng sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho các tiểu thương cũng như người dân tham gia kinh doanh, buôn bán, trao đổi hàng hóa tại chợ. Qua đó, cũng từng bước đẩy mạnh thực hiện văn minh thương mại theo đúng chủ trương của tỉnh đề ra cho giai đoạn hiện nay.