Chú trọng đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên

Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên được xem là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Tỉnh đoàn, thanh niên Tây Ninh trong độ tuổi từ 16-30 có 268.068 người, chiếm 22,5% dân số của tỉnh (trong đó có 98.287 thanh niên thực tế trên địa bàn). Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế này, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh công tác phổ biến các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, trọng tâm là lao động trong độ tuổi thanh niên, cũng như thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ Công an trở về địa phương.

Từ nguồn vốn khởi nghiệp của Huyện đoàn Gò Dầu hỗ trợ, anh Dương đã có điều kiện mở rộng cửa hàng.

“Từ năm 2022 đến nay, Tỉnh đoàn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ ký kết chương trình phối hợp về thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ. Theo đó, hằng năm đã mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên ở các địa phương trên địa bàn tỉnh như: trồng nấm bào ngư, nấm mối đen, rau thủy canh, cà chua bi, nuôi cá, nuôi gà…

Tỉnh đoàn còn phối hợp tổ chức ít nhất 20 buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và 2 chương trình Ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên; đưa chỉ tiêu giới thiệu việc làm cho thanh niên vào tiêu chí thi đua, chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội Đoàn, Hội của tỉnh”- chị Trịnh Thị Như Trang- Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết.

Tại huyện Dương Minh Châu, các hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên được các cấp bộ Đoàn chú trọng triển khai. Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đào tạo nghề...

Anh Nguyễn Thanh Hải- Phó Bí thư Huyện đoàn Dương Minh Châu cho biết, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn Dương Minh Châu kết hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ để tổ chức hoạt động tuyên truyền về chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng nấm bào ngư, trồng rau thủy canh.

Các hoạt động này thường mời các đoàn viên trong các câu lạc bộ, tổ, đội nhóm, tổ hợp tác và những đoàn viên làm kinh tế gia đình tham gia để cập nhật thêm kiến thức, góp phần gắn vào phát triển kinh tế gia đình cho bản thân.

Đoàn các cấp cũng tích cực thực hiện quản lý tốt các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ thanh niên tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư sản xuất, kinh doanh để cải thiện cuộc sống.

Từng có một thời gian dài làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng anh Điền Trung Hải Dương, ngụ ấp Trâm Vàng 3, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu đã quyết định “bỏ phố về quê” khởi nghiệp.

Anh Dương cho biết: “Sau 9 năm làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không dư dả gì nhiều, năm 2017, hai vợ chồng tôi quyết định về quê mở tiệm rửa xe. Ban đầu mới mở, tôi chỉ rửa xe cơ bản nhưng sau đó cũng tham gia công tác Đoàn, rồi Huyện đoàn hỗ trợ vốn khởi nghiệp. Năm 2020, tôi nâng cấp từ rửa xe cơ bản qua rửa không chạm, nó nâng cao lên một bước nhanh, không tốn kém về lao động nữa”.

Đối với anh Nguyễn Lê Anh Sang, ngụ ấp Suối Cao B, xã Phước Đông (huyện Gò Dầu), bằng kinh nghiệm của bản thân và qua tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Huyện đoàn phối hợp các ban, ngành triển khai, anh quyết định khởi nghiệp bằng mô hình nuôi heo rừng. Sau 4 tháng mua heo giống về nuôi, đàn heo của anh Sang sinh sản lứa đầu tiên được 18 heo con, anh đã xuất bán 12 con giống, đem lại lợi nhuận hơn 10 triệu đồng.

Mô hình nuôi heo rừng khởi nghiệp của anh Sang đang cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Phạm Trần Thiên Tú- Phó trưởng Ban Phong trào Tỉnh đoàn, từ năm 2022 đến nay, Tỉnh đoàn đã tổ chức 7 lớp tập huấn, chuyển giao 14 mô hình khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh. Riêng trong năm 2024 đã chuyển giao 7 mô hình khoa học kỹ thuật và tổ chức 7 lớp tập huấn.

“Tỉnh đoàn còn tổ chức tham quan các mô hình sản xuất của các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó giúp cho đoàn viên nắm thêm quy trình sản xuất cũng như thực tiễn tại địa phương, đơn vị”- anh Tú nói.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn heo của anh Sang phát triển tốt.

Bằng sự vào cuộc tích cực, phối hợp đồng bộ của các đơn vị, sở ngành trong tỉnh, chính sách đào tạo nghề cho thanh niên đã được triển khai thực hiện nhanh chóng và đã đạt được những kết quả. Trong năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức 32 buổi tư vấn hướng nghiệp cho 37.505 đoàn viên thanh niên; tư vấn giới thiệu việc làm cho 5.846 lượt đoàn viên thanh niên và có 2.688 đoàn viên thanh niên có việc làm; tổ chức 1 phiên giao dịch việc làm có 150 đoàn viên thanh niên tham gia; toàn tỉnh vận động hỗ trợ 119 thanh niên khởi nghiệp, kinh phí hơn 5 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án khởi nghiệp sáng tạo, được hỗ trợ kinh phí 179 triệu đồng.

Vũ Nguyệt

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/chu-trong-dao-tao-nghe-gioi-thieu-viec-lam-cho-thanh-nien-a182960.html