Chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đa dạng ngành, nghề góp phần thúc đẩy công tác giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thái Nhung.

Người lao động tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thái Nhung.

Hơn 160.000 người lao động được giải quyết việc làm

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 164.000 người lao động (NLĐ), đạt 99,4% kế hoạch. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm, thu hút 695 đơn vị, doanh nghiệp (DN) tham gia, tổng số nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh là gần 12.000 người. Kết quả, đã có 1.672 người được tuyển dụng tại phiên trong hơn 4.200 NLĐ được phỏng vấn. Bên cạnh đó, thông qua hình thức xuất khẩu lao động, thành phố đã giải quyết việc làm cho 340 người. Cùng với đó, hơn 13.000 người được cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp (DN) và qua các hình thức khác. 100% trường hợp đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm; trong đó hỗ trợ học nghề để tìm việc làm mới cho 179 người với số tiền 702,7 triệu đồng.

Cũng theo thống kê của Sở LĐTBXH Hà Nội, trong danh mục 77 nghề đào tạo có cả nghề mới như bán hàng qua livestream hay giúp việc gia đình. Về cơ cấu, trong 77 nghề thì có 24 nghề là nông nghiệp và 53 nghề là phi nông nghiệp.

Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ. Đó là tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của một số người. Đa số học sinh sau khi tốt nghiệp cấp THPT đều đặt mục tiêu vào đại học, không muốn đi học nghề.

Trong khi đó, Thủ đô là nơi tập trung nhiều trường đại học, các trường đại học có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, tiêu chí xét tuyển thấp. Do vậy, các trường trung cấp, cao đẳng rất khó để cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học. Các DN hoạt động dịch vụ việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các sàn, điểm giao dịch vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho NLĐ tìm việc và DN có nhu cầu tuyển dụng, nhất là hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động bị khuyết tật... Hoạt động xác định và dự báo nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các DN cũng như hoạt động đánh giá nguồn cung nhân lực và dự báo nhu cầu việc làm của NLĐ trên thị trường lao động còn hạn chế cả về mặt số lượng và chất lượng.

Nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Giám đốc Sở LĐTBXH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, về giải pháp tổng thể, thời gian tới, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là chất lượng các trường công lập trên địa bàn.

Tiếp tục đầu tư cho các chương trình, giáo trình, giáo án, đặc biệt là các ngành nghề mới, ngành nghề liên quan đến AI và các lĩnh vực liên quan đến xu hướng phát triển ngành nghề hiện nay.

“Chiến lược phát triển thị trường lao động trong 5 - 10 năm tới của Hà Nội dựa trên 3 nguyên tắc: Căn cứ cơ cấu kinh tế xã hội và chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn 5 năm để đào tạo nguồn nhân lực; dựa trên nhu cầu của thị trường và dựa trên nền tảng, thế mạnh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phát triển. Trong 5 năm tới, 3 nhóm nghề mà thành phố tập trung đào tạo theo xu hướng, nhu cầu gồm: Công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ du lịch, nông nghiệp công nghệ cao” - bà Hương cho biết.

Trong tháng 9/2024, TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch lĩnh vực việc làm, an toàn lao động đã được UBND TP ban hành.

Với những trường hợp NLĐ bị mất việc làm, ngành LĐTBXH sẽ có những định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm; tư vấn giới thiệu việc làm qua hệ thống sàn giao dịch việc làm chính và 14 sàn giao dịch việc làm vệ tinh…

Nhận định nhu cầu cần việc làm và nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tiếp tục tăng cao, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, để tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình mới, Trung tâm sẽ triển khai các giải pháp kết nối việc làm, cung cấp đầy đủ các dịch hỗ trợ DN, NLĐ. Đồng thời hình thành mạng lưới thu thập, xử lý và cung cấp thông tin thị trường lao động từ thành phố tới cơ sở, tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ nâng cao hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm…

Đặc biệt, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù và phiên lưu động để tăng cường kết nối, giải quyết việc làm cho NLĐ.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chu-trong-dao-tao-nghe-va-giai-quyet-viec-lam-10289694.html