Chú trọng đổi mới giáo dục đào tạo, thúc đẩy phát triển nhân lực quốc gia

Sáng 6/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Hội nghị trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu ở trong và ngoài nước góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Đồng đội Trung ương cùng hàng trăm trí thức trẻ Việt Nam tiêu biểu ở trong và ngoài nước.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các dự thảo văn kiện lấy ý kiến nhân dân gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Trên cơ sở nghiên cứu các dự thảo văn kiện, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đề nghị các trí thức trẻ tiêu biểu phát huy tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ, thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc phân tích, đánh giá, bổ sung ý kiến góp ý, góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Tại Hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Các báo cáo dựa trên giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới và nguyên tắc xây dựng Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nội dung các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu và có tính khái quát cao, nhiều điểm mới; kết cấu, bố cục chặt chẽ; bám sát thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...; đánh giá sát thành tựu và hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII.

Tại Hội nghị, vấn đề đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học-công nghệ; thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài để tạo động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… nhận được sự quan tâm, góp ý của các đại biểu.

Nhấn mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo phải đặt trong bối cảnh thế giới biến đổi phức tạp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục EdLab Asia Hoàng Anh Đức cho biết, thuật ngữ “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được nhắc đến nhiều lần, nhưng đa phần nội hàm được bàn bạc mới chỉ dừng lại ở Cuộc cách mạng về Internet; trong khi đó cuộc cách mạng thực sự về dữ liệu chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Trên thực tế, những ngành, nghề mới đang ra đời với tốc độ nhanh, nhưng tỷ lệ sinh viên thất nghiệp và thiếu hụt lao động có tay nghề phù hợp còn cao; chứng tỏ sự yếu kém trong công tác dự báo và quản trị nguồn lực. Do đó, đại biểu Hoàng Anh Đức đề nghị xác định vị thế của dữ liệu, dữ liệu lớn trong công tác hoạch định, đổi mới giáo dục-đào tạo.

Tiến sĩ Trần Lê Hưng, giảng viên Trường Đại học Cầu đường Paris, Pháp góp ý tại hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tiến sĩ Trần Lê Hưng, giảng viên Trường Đại học Cầu đường Paris, Pháp góp ý tại hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trong bối cảnh thế giới biến động không ngừng, nhu cầu của người học và người dạy không ngừng thay đổi, văn kiện Đại hội Đảng nhấn mạnh, cần tăng cường các hình thức học tập không chính quy, học tập thường xuyên, các cộng đồng học tập… góp phần nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về việc xây dựng một xã hội học tập. Tuy nhiên, mục tiêu phát triển giáo dục nên tập trung vào phát triển năng lực thay vì những kiến thức, kỹ năng, chương trình học cố định trong các trường phổ thông; từ đó rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn; giúp học sinh hình thành “năng lực thích ứng” và “năng lực sáng tạo”, làm chủ tương lai.

Đồng thời, đại biểu Hoàng Anh Đức cho rằng, đổi mới giáo dục, phát triển văn hóa, xã hội phải gắn liền với thực trạng già hóa dân số của Việt Nam; đảm bảo tính khái quát, sát sao với đặc trưng về tâm, sinh lý của thế hệ thanh, thiếu niên sinh ra trong “thời đại số”. Bởi, hướng tới tầm nhìn 2045, thế hệ người trẻ sinh từ năm 2000-2020 là lực lượng lao động, sáng tạo chủ chốt của đất nước. Trong khi đó, sự khác biệt, cách biệt vùng miền ngày càng gia tăng và khó nhận biết trong giới trẻ. Bởi vậy, bên cạnh dự báo các vấn đề kinh tế-xã hội nói chung, đại biểu Hoàng Anh Đức đề xuất ban soạn thảo bổ sung thêm tiểu mục dự báo, chủ trương và chiến lược dành cho thanh, thiếu niên sinh ra và lớn lên trong bối cảnh “thời đại số”.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Duy Anh, Khoa Kinh tế phát triển, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam có từ 1-3 trường đại học nghiên cứu nằm trong top 100 thế giới, có chất lượng và uy tín quốc tế, cạnh tranh với các đại học hàng đầu thế giới và khu vực. Đại biểu Lê Duy Anh giải thích, các quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học-công nghệ đều là quốc gia thịnh vượng, có trường đại học nghiên cứu dẫn đầu trong cuộc đua về nghiên cứu và phát triển. Các trường đại học nghiên cứu uy tín là hạt nhân phát triển, thúc đẩy tiến bộ khoa học-công nghệ và thương mại hóa sản phẩm, thu hút và giữ chân nhà khoa học có trình độ.

Đại biểu Lê Duy Anh giải thích: “Dự thảo các văn kiện đề cập nhiều lần đến phát triển khoa học-công nghệ cũng như chất lượng giáo dục, nhưng cần có một mục tiêu cụ thể để đánh giá và đo đếm sự thành công của lĩnh vực này. Năm 2020, Việt Nam có trường đại học trong top 1.000 thế giới, khoảng cách đến top 100 còn xa và đầy thử thách, nhưng 25 năm đủ có thể biến mục tiêu thành hiện thực khi có tầm nhìn, quyết tâm và kế hoạch ngay từ bây giờ”.

Đánh giá cao mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, đại biểu Trần Lê Hưng, trường Đại học cầu đường Paris, Pháp, đề nghị không chỉ kết hợp giữa nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở trong và ngoài nước, mà còn đẩy mạnh kết nối chuyên gia nước ngoài có đủ đạo đức và trình độ đến Việt Nam sinh sống và làm việc; có cơ chế thu hút và gìn giữ nhân tài, tránh chảy máu chất xám.

Đại biểu Nguyễn Linh Đan, Tiến sĩ trường Đại học Tokyo, Nhật Bản, đánh giá dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước chú trọng, quan tâm đến yếu tố bảo vệ môi trường; cụm từ “phát triển nhanh và bền vững” được lặp lại nhiều lần trong các bản báo cáo.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Linh Đan, nội dung “tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người” là mục tiêu tăng trưởng mạnh, vì vậy sẽ có những sức ép nhất định lên phát thải nhà kính và sức chịu đựng của môi trường. Ngoài GDP, vấn đề dân số cũng là một đầu vào quan trọng của dự báo tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Cùng với lợi thế phát triển kinh tế từ dân số vàng, vấn đề ứng phó với việc già hóa, dân số tăng nhanh và đô thị hóa… sẽ đều khiển hệ thống năng lượng trở nên quá tải.

Đại biểu Nguyễn Linh Đan đề xuất, cần cân nhắc lại các dự báo kinh tế và năng lượng, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đưa ra giải pháp đồng bộ và kịp thời, đảm bảo nền kinh tế nước ta thực sự phát triển theo hướng bền vững, bởi năng lượng là xương sống của mọi nền kinh tế.

Diệp Trương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/chu-trong-doi-moi-giao-duc-dao-tao-thuc-day-phat-trien-nhan-luc-quoc-gia-20201106135212673.htm