Chú trọng giáo dục cầu thủ trẻ
5 giờ sáng tại Trung tâm bóng đá Viettel, các cầu thủ trẻ tỉnh giấc. Họ nhanh chóng gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân trước khi ra sân tập luyện.
Sau một tiếng “làm nóng” người, các cầu thủ trẻ tập hợp xếp hàng ăn sáng, trước khi đi học văn hóa. Đến chiều, cầu thủ của trung tâm lại tập luyện chuyên môn, trước khi có buổi học tiếng Anh từ 19 giờ 30 phút đến 21 giờ.
Khoan bàn đến thành công trong sự nghiệp ở cấp độ câu lạc bộ hay đội tuyển quốc gia, nhưng đại đa số cầu thủ Thể Công-Viettel đều nên người đúng nghĩa, sau quãng thời gian gần một thập niên được rèn giũa ở môi trường chuyên nghiệp, nhân văn. Chuyện tương tự đang diễn ra với Hà Nội FC, Hoàng Anh Gia Lai hay nhiều “lò” đào tạo trẻ trên khắp cả nước. Nói như huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn, sự gương mẫu, đạo đức, kỷ luật, chuyên môn là kim chỉ nam đối với nhiều trung tâm đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây. Thế nên, chuyện cầu thủ Nguyễn Trọng Đại từ một tài năng đầy hứa hẹn nhưng lại sa vào cảnh nợ nần thật đáng để suy ngẫm.
“Trong xã hội, tích cực và tiêu cực luôn song hành với nhau. Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC, PVF hay Thể Công-Viettel vốn dĩ rất cố gắng trong việc phát triển nhân cách, đạo đức và chuyên môn cho cầu thủ, nhưng đâu đó, tiêu cực vẫn sẽ xảy ra. Nhất là khi các cầu thủ có thể sa lầy vào một môi trường không tốt bên ngoài xã hội”, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Xưa nay, việc quản lý một đội bóng hay trung tâm, học viện bóng đá trẻ không đơn giản. “Lấy ví dụ một gia đình với 2-3 người con. Chưa chắc bố mẹ đã quán xuyến được đầy đủ. Vậy nên, chuyện một đội bóng, một trung tâm đào tạo với rất nhiều cầu thủ phải quản lý, có thể chứng kiến một vài trường hợp cá biệt sa đà vào tiêu cực cũng là điều bất đắc dĩ. Tất nhiên, xác suất ấy phải giảm đến mức thấp nhất có thể. Và điều ấy phụ thuộc vào quá trình đào tạo, chăm sóc, quản lý của lãnh đạo, HLV cũng như ở chiều ngược lại là nhận thức đến từ chính bản thân cầu thủ”, ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Ở góc độ nhiều năm gắn bó với công tác đào tạo, giáo dục cầu thủ trẻ, HLV Hoàng Anh Tuấn chỉ ra: “Có cầu thủ bộc lộ cảm xúc ra ngoài. Lại có gương mặt nổi loạn ở tính cách bên trong. Điều đó đặt ra thử thách cho HLV trong việc xử lý các tình huống, giáo dục cầu thủ”.
Tiếp tục cuộc trò chuyện với tác giả, chiến lược gia Hoàng Anh Tuấn nhớ lại chuyện xưa: Cách đây 7 năm, đội tuyển U.20 Việt Nam kết thúc hành trình U.20 World Cup tại Hàn Quốc, Văn Hậu khi ấy rất thân với Trọng Đại, khi đó Trọng Đại ra ở riêng. Tôi gặp Văn Hậu và nói: “Con còn rất trẻ, con phải sống và sinh hoạt trong môi trường tập thể, thay vì sinh hoạt cá biệt như thế. Nếu tuân thủ kỷ luật, tương lai của con sẽ phát triển”. Sau lời khuyên ấy, Văn Hậu không sinh hoạt với Trọng Đại nữa. Loại bỏ yếu tố liên quan đến chấn thương, Văn Hậu với ý chí phấn đấu, tinh thần và chuyên nghiệp đã vươn lên đỉnh cao. Trong khi đó, Trọng Đại lại ngày càng xuống dốc.
Bản thân các cầu thủ cũng nhận ra sự nguy hiểm của những tệ nạn có thể tước đi sự nghiệp mà họ dày công vun đắp. Ở góc độ các trung tâm đào tạo, việc siết chặt kỷ luật, quan tâm ráo riết cũng được đặt ra. “Khi chúng ta có những quan tâm hợp lý và sát sao, bóng đá Việt Nam sẽ từng bước sản sinh ra nhân tài. Nếu chúng ta có sự đầu tư tốt về tư duy, trí tuệ, vật chất cho cầu thủ thì bóng đá nước nhà sẽ ngày một tiến lên”, HLV Hoàng Anh Tuấn kỳ vọng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/chu-trong-giao-duc-cau-thu-tre-790771