Chú trọng hậu kiểm đầu tư khuyến công
Những năm qua, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các dự án khuyến công. Để các dự án phát huy hiệu quả, công tác hậu kiểm được ngành chức năng chú trọng.
Nâng hiệu quả vốn đầu tư
Chỉ tính giai đoạn 2020-2023, nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động khuyến công của tỉnh đạt hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, nguồn khuyến công quốc gia 9,3 tỷ đồng, khuyến công tỉnh hơn 14,7 tỷ đồng. Riêng nguồn NSNN dành cho hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến đạt 18 tỷ đồng, thu hút được hơn 133,5 tỷ đồng vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình.
Tương ứng với 1 đồng vốn khuyến công thu hút được hơn 7,4 đồng vốn đầu tư của các cơ sở, DN tham gia. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã tham mưu Sở Công Thương thực hiện 93 đề án; đồng thời hỗ trợ 77 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Giai đoạn 2020- 2023, nguồn ngân sách dành cho hoạt động khuyến công của tỉnh đạt hơn 24 tỷ đồng; thu hút được hơn 133,5 tỷ đồng vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình để thực hiện 93 đề án khuyến công.
Đến nay, cơ bản máy móc, thiết bị hỗ trợ cho các cơ sở, DN đều phát huy hiệu quả. Nhiều sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề được vinh danh, bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP.
Trong lĩnh vực sản xuất thiết bị cơ khí chính xác, hiện cả 9 DN được hỗ trợ kinh phí khuyến công đã từng bước đáp ứng các điều kiện, quy định là “người cung cấp hàng” thứ cấp cho các hãng sản xuất lớn như: SamSung, Apple, LG, Honda...
Đơn cử, tháng 11/2021, Công ty cổ phần Cơ điện Hà Bắc, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) được hỗ trợ 250 triệu đồng (đơn vị đối ứng hơn 350 triệu đồng) đầu tư 1 máy CNC cắt thép bằng nhiệt khí gas. Nhờ có máy CNC mới, năng suất lao động của bộ phận cắt, hàn tăng từ 3-5 lần.
Khắc phục bất cập trong hậu kiểm
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh luôn chú trọng khâu hậu kiểm. Bảo đảm trong 2 năm đầu, sau khi đề án được nghiệm thu, các đơn vị thụ hưởng kinh phí đều phải được kiểm tra tối thiểu 1 lần/năm. Đồng thời, Trung tâm rút kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn; nắm bắt nhu cầu đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất của các cơ sở công nghiệp nông thôn để xây dựng kế hoạch hỗ trợ trong thời gian tiếp theo.
Qua kiểm tra cho thấy có những đơn vị vận hành, bảo quản máy móc không tốt, dẫn đến hư hỏng. Ví như Công ty TNHH Xây dựng Duyên Quả, xã Tiến Dũng (Yên Dũng), tháng 9/2021 được hỗ trợ 100 triệu đồng mua 1 máy tiện gỗ lập trình tự động. Do sơ suất trong quá trình làm việc, công nhân của DN đã đánh rơi 1 khúc gỗ vào máy tiện nên nhiều tháng qua máy tiện này phải dừng hoạt động để sửa chữa.
Tuy vậy, công tác hậu kiểm vẫn còn một số bất cập như: Các quy định về hậu kiểm chưa đầy đủ, dẫn tới khó khăn trong áp dụng. Đội ngũ khuyến công viên của Trung tâm mỏng nên công tác hậu kiểm mới được thực hiện theo đợt và lồng ghép trong quá trình triển khai các đề án khác trên cùng địa bàn. Trình độ tổ chức sản xuất, quản lý DN, chuyên môn nghiệp vụ kế toán của các DN thụ hưởng còn yếu.
Theo ông Ngụy Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, để nâng cao hiệu quả đề án khuyến công, Trung tâm tiếp tục xây dựng bộ hồ sơ hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục hỗ trợ, thực hiện các loại đề án khuyến công và thanh quyết toán kinh phí. Qua đó giúp cho việc triển khai thực hiện các nội dung khuyến công được thuận lợi, đồng thời giúp các DN lưu giữ hồ sơ dễ dàng, nâng cao trách nhiệm tuân thủ pháp luật về đầu tư cũng như việc hậu kiểm hoạt động khuyến công.
Bài, ảnh: Thế Đại