Chú trọng hòa giải án dân sự

Trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng việc hòa giải giữa các bên. Qua đó, các bên có điều kiện giải quyết triệt để những tranh chấp, hạn chế phát sinh mâu thuẫn về sau.

Từ kinh nghiệm xét xử, giải quyết các vụ, việc, TAND tỉnh và các huyện, thị xã, TP nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hòa giải nhất là sau khi hoạt động này được luật hóa bằng Luật Hòa giải.

 TAND huyện Lạng Giang tổ chức hòa giải tranh chấp tài sản thừa kế của các đương sự trú tại xã Xuân Hương.

TAND huyện Lạng Giang tổ chức hòa giải tranh chấp tài sản thừa kế của các đương sự trú tại xã Xuân Hương.

TAND TP Bắc Giang là đơn vị được đánh giá làm tốt công tác hòa giải với số lượng các vụ, việc hòa giải thành cao. Thẩm phán Nguyễn Thị Hằng, Chánh tòa Dân sự cho biết, thông thường ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, lãnh đạo TAND TP giao cho các thẩm phán phụ trách vụ án nghiên cứu kỹ hồ sơ trên cơ sở tiến hành thu thập thông tin, làm rõ vấn đề mấu chốt của vụ việc. Cán bộ được phân công phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nơi đương sự cư trú, làm việc để tìm hiểu nhân thân, các tình tiết của vụ án cũng như ý kiến của những người có liên quan.

Sau khi có đủ các thông tin và tài liệu, chứng cứ liên quan, TAND TP sẽ ban hành quyết định mở phiên hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tại các buổi hòa giải, thẩm phán trực tiếp gặp gỡ các đương sự, giải thích cho họ hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình hòa giải. Các thẩm phán luôn dành thời gian cho các bên nói rõ quan điểm, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng; phân tích rõ cho các đương sự biết được lợi ích mà họ sẽ có nếu thỏa thuận giữa hai bên thành công tại phiên hòa giải.

Từ đầu năm đến nay, TAND tỉnh đã hòa giải thành và công nhận thỏa thuận hơn 1.130 vụ án dân sự, đạt tỷ lệ gần 43%. Chủ yếu là các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, vay tài sản, hôn nhân gia đình…

Đối với những vụ án tranh chấp về đất đai thường là phức tạp hơn các vụ án dân sự khác, TAND TP trực tiếp xác minh, xem xét ngoài thực địa, hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau. Quá trình điều tra, xác minh và hòa giải, TAND TP luôn kết hợp với chính quyền địa phương cùng tham gia hòa giải. Điển hình gần đây, TAND TP hòa giải thành vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai gia đình ở tổ dân phố Chùa Thành, phường Xương Giang. Tuy mảnh đất tranh chấp có diện tích không lớn, chỉ hơn 10 m2 nhưng âm ỉ kéo dài, bên nào cũng đưa ra lý lẽ, bằng chứng để bảo vệ quyền lợi, nguy cơ biến thành phức tạp.

Thẩm phán Nguyễn Thị Hằng và các cán bộ trực tiếp đến tìm hiểu, làm việc với chính quyền địa phương, các bên liên quan để nắm rõ bản chất vụ việc. Qua nhiều lần giải thích, thuyết phục, để hai bên trao đổi thẳng thắn, trình bày nguyện vọng, vụ việc được giải quyết thành công. Bên nguyên đơn có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện; bị đơn cũng tháo dỡ toàn bộ công trình, trả lại phần đất tranh chấp. “Ngòi nổ” đã được rút, hai gia đình giữ được tình cảm xóm giềng. Với những giải pháp tích cực đã được thực hiện, số lượng hòa giải thành các tranh chấp trong các vụ án dân sự của TAND TP từ đầu năm đến nay đạt 123/171 vụ.

Đối với TAND huyện Lạng Giang, các vụ án hôn nhân và gia đình, đơn vị cũng để các đương sự có thời gian suy nghĩ, lựa chọn và đi đến quyết định cuối cùng… Các thẩm phán chủ động gợi mở cho các bên đương sự tự thương lượng, thỏa thuận mà không cần tòa án xét xử. Thực tế trong quá trình hòa giải, đội ngũ thẩm phán luôn thể hiện tình cảm gần gũi, thiện chí, tôn trọng sự tự nguyện của các bên liên quan. Tùy theo tính chất của từng vụ án cụ thể, quá trình hòa giải được TAND huyện tiến hành kịp thời, chủ động, nhằm tạo điều kiện cho các đương sự hiểu rõ các vấn đề liên quan đến tranh chấp. Các thẩm phán của TAND kiên trì hòa giải, chỉ khi nào không còn khả năng mới đưa vụ án ra xét xử.

Nói về kinh nghiệm nâng cao tỷ lệ hòa giải, thẩm phán Nguyễn Thị Hương Giang, Phó Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh cho rằng, quy trình hòa giải phải luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Người chủ trì nắm bắt đầy đủ thông tin, nguyên nhân “gốc rễ”, mong muốn của các bên và căn cứ vào tính chất vụ án, đối tượng khởi kiện để lựa chọn phương thức hòa giải phù hợp. Kết hợp việc sử dụng các tài liệu, chứng cứ và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham gia phiên họp để thuyết phục đương sự. TAND phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, từ đó đưa ra hướng hòa giải hiệu quả.

Quá trình hòa giải thực hiện theo phương châm kiên trì, không nóng vội nhưng cũng không để kéo dài. Thẩm phán dành thời gian và tạo cơ hội để các bên tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, những vấn đề tranh chấp. Động viên, gợi mở các bên bàn bạc, thương lượng để đi đến tự nguyện thỏa thuận về những vấn đề còn bất đồng quan điểm. Cùng đó tuyên truyền, giải thích về quy định pháp luật liên quan; tránh vội vàng, nôn nóng, làm tổn hại đến danh dự, tự ái cá nhân, quyền lợi hợp pháp của các bên. Nhờ những giải pháp này, từ đầu năm đến nay, TAND tỉnh đã hòa giải thành và công nhận thỏa thuận hơn 1.130 vụ án dân sự, đạt tỷ lệ gần 43%.

Nội dung các vụ án chủ yếu là tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, vay tài sản, hôn nhân gia đình… Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, trình độ lý luận chính trị cho các cán bộ, thẩm phán, thư ký… để áp dụng tốt hơn trong công tác hòa giải, giải quyết các vụ án. Qua đó góp phần hàn gắn những rạn nứt giữa các đương sự; bảo đảm quyền quyết định và tự định đoạt của các bên. Đồng thời, giải quyết triệt để, hiệu quả những tranh chấp; chấm dứt những mâu thuẫn âm ỉ về sau, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, giữ gìn ổn định trật tự xã hội.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chu-trong-hoa-giai-an-dan-su-092856.bbg