Chú trọng hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ngày 14/11, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên 1M4W năm 2024 với chủ đề 'Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo'.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.VS Châu Văn Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS.TS. Lê Quân Giám đốc ĐHQGHN đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, cơ quan liên quan cùng các đại biểu, nhà khoa học của Bộ Khoa học & Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, ĐHQGHN.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất hiện nay. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng các chủ trương, đường lối, cụ thể hóa bằng các chính sách, quy định pháp luật nhằm phát triển, thúc đẩy KHCN&ĐMST.
Cụ thể, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định quan điểm: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.... Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định ba đột phá chiến lược, trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KHCN, ĐMST; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Cùng với đó, trong phát biểu về 07 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một trong các giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế là “Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy KHCN, ĐMST làm động lực chính cho phát triển”.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng trong phát triển KHCN&ĐMST còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn như: Một số chính sách, quy định còn chậm được cụ thể hóa hoặc chưa cụ thể hóa đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống pháp luật về KHCN được điều chỉnh bởi nhiều văn bản khác nhau, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn; nguồn lực đầu tư chưa thực sự tương xứng với vai trò, tầm quan trọng của KHCN&ĐMST theo đúng các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước…
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu nêu rõ, Hội nghị là dịp để các đồng chí lãnh đạo, nhà quản lý, nhà hoạch định chiến lược, chính sách; các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển KHCN để KHCN&ĐMST thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Để Hội nghị đạt kết quả, Chủ tịch Phan Chí Hiếu đề nghị các báo cáo chuyên đề, tham luận tập trung các nội dung cụ thể về nhận diện rõ những bất cập, hạn chế của hệ thống pháp luật đang là “rào cản” đối với sự phát triển của KHCN&ĐMST; đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trên từng lĩnh vực cụ thể như tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ chế tài chính; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đổi mới mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển KHCN&ĐMST, gỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý hoạt động KHCN; tạo dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm đối với các loại hình, mô hình tổ chức KHCN mới, tạo thuận lợi cho thị trường KH&CN phát triển bền vững; các chế độ, chính sách đãi ngộ vượt trội cho đội ngũ nghiên cứu khoa học…
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nêu những bất cập nổi bật của hệ thống pháp luật hiện hành, cụ thể về sự thiếu thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật KHCN khiến việc quản lý các hoạt động KH&CN trở nên phức tạp, các đơn vị quản lý khó phối hợp và điều hành, dẫn đến chồng chéo trong nhiệm vụ và nguồn lực; Luật KH&CN hiện nay chưa thể hiện được vai trò quan trọng của việc phát triển khoa học xã hội; các quy định tài chính trong lĩnh vực KH&CN hiện hành chưa linh hoạt và thiếu sự cập nhật với chi phí thực tế của các hoạt động khoa học; Luật hiện hành chưa có các quy định tài chính riêng phù hợp với nhu cầu và đặc thù của các tổ chức KHCN công lập; các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ hiện tại chưa đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và làm suy giảm động lực đầu tư vào nghiên cứu…
Đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam GS. TS. Chu Hoàng Hà cho biết, Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội, giúp các nghiên cứu khoa học và phát minh sáng tạo đóng góp trực tiếp vào thực tiễn. Để hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ và phát triển thị trường KH&CN, Nam GS. TS. Chu Hoàng Hà cho rằng cần tăng cường đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá: Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, làm trụ cột cho công nghiệp trong nước; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong việc phát triển thị trường KH&CN.
Bên cạnh đó, các đại biểu, chuyên gia đề xuất cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đề xuất các giải pháp trong việc tăng cường số lượng và chất lượng CTCB nhằm nâng cao vị thế của Viện Hàn lâm trên thế giới; giải pháp về nguồn nhân lực chất lượng cao; giải pháp trong phát triển hội nhập và hợp tác quốc tế; Giải pháp tháo gỡ các quy định về tài chính…
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành Hiến pháp, luật và pháp lệnh. Đây được coi là yếu tố thuận lợi trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đồng thời cũng là nhiệm vụ lớn phải hoàn thành đối với các bộ, ngành nói chung.
Thông qua các ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội nghị, để hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên mới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các đơn vị tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách trong triển khai, thực hiện các chương trình, nghiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ theo định hướng tại Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030, đặc biệt là cơ chế, chính sách có liên quan đến các vấn đề trọng điểm của quốc gia như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, Net Zero, đường sắt tốc độ cao, điện hạn nhân và các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo…; tập trung xây dựng, hoàn thiện dự án Luật KH,CN&ĐMST, trong đó chú trọng xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi để tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Xây dựng đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân lực, nhân tài KH&CN, tạo điều kiện phát triển đội ngũ trí thức, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước, mở rộng hội nhập quốc tế trong hoạt động nghiên cứu để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST.
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, giải pháp mang tính đột phá, vượt trội để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, trọng điểm của quốc gia, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KHCN&ĐMST; tăng cường xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái sáng tạo, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đặt trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ tại Việt Nam, tạo ra môi trường nghiên cứu sôi động, hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...
Một số hình ảnh tại Hội nghị: