Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn
Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, thời gian qua, cùng với giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với một số địa phương khác trên cả nước, mức khen thưởng dành cho học sinh giỏi của Hà Nội còn khiêm tốn…
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Thành phố Hà Nội hiện là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội; gần 2,3 triệu học sinh và hơn 130 nghìn giáo viên. Năm học 2023 - 2024, dù còn nhiều khó khăn nhưng Thành phố tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà, mũi nhọn. Đặc biệt, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông, học sinh Thủ đô đã giành kết quả cao nhất từ trước tới nay với 184 giải (gồm 14 giải Nhất, 61 giải Nhì, 54 giải Ba, 55 giải Khuyến khích).
Không chỉ giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu về số lượng học sinh đạt giải, chất lượng giải thưởng năm nay của học sinh Thành phố cũng có bước cải thiện rõ rệt. So với năm học 2022 - 2023, tổng số giải của học sinh Thành phố đạt được năm học 2023 - 2024 tăng thêm 43 giải, trong đó số giải Nhất tăng 1 giải. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định năng lực, sở trường với môn Ngoại ngữ khi giành tới 6 giải Nhất môn tiếng Anh, 1 giải Nhất môn tiếng Pháp. Đặc biệt, các đội tuyển tiếng Anh, tiếng Pháp và Hóa học có 100% thành viên đều giành giải.
Đáng chú ý, trong số 84 học sinh giành giải, có 13 học sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chọn tham dự vòng thi tuyển chọn thành viên đội tuyển quốc gia để tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế năm 2024. Sau vòng tuyển chọn, Đặng Tuấn Anh (học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Chu Văn An) đã xuất sắc được chọn tham dự và giành Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế, Trần Đăng Khôi (học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội) giành Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.
Để có được những kết quả này, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của các học sinh, giáo viên, trong những năm qua, Thành phố đã dành sự quan tâm, đầu tư lớn cho giáo dục. Sự quan tâm ấy đã thể hiện rất rõ trong Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua. Trong đó, Luật dành riêng Điều 22 đề cập đến công tác phát triển GD&ĐT. Luật Thủ đô sửa đổi đã nhấn mạnh: “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế”.
Động lực nâng chất lượng
Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu về số lượng và công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh mũi nhọn. Tuy nhiên, so với một số địa phương khác trên cả nước, mức khen thưởng dành cho học sinh giỏi của Hà Nội còn khiêm tốn…
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, mức khen thưởng học sinh giỏi của Hà Nội là vấn đề được ngành GD&ĐT Hà Nội trăn trở nhiều năm qua. Trên cơ sở thực tế cùng nguyện vọng, đề xuất của học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà trường, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trình Hội đồng nhân dân Thành phố dự thảo Nghị quyết về quy chế khen thưởng học sinh giỏi của Thủ đô. Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn mức khen thưởng dành cho những học sinh đoạt giải tại các kỳ thi sẽ thỏa đáng hơn. Cùng đó, giáo viên có thành tích hướng dẫn học sinh đoạt giải cũng được nhận phần thưởng tương xứng. Điều này sẽ góp phần tích cực trong việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.
Cụ thể, đối với các nhà giáo, học sinh, học viên đạt được các thành tích trong công tác, học tập, Thành phố mới chỉ có Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố, trong đó vận dụng mức thưởng cho các nhà giáo, học sinh đạt thành tích xuất sắc trong công tác, học tập mới là từ 1 lần mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng đến 20 triệu đồng/người (đối với cá nhân lập thành tích đặc biệt xuất sắc có tác động tích cực đối với Thành phố, khu vực hoặc thế giới) và vận dụng mức thưởng cho các nhà giáo đạt giải tại các cuộc thi giáo viên dạy giỏi thành phố từ 500 nghìn đồng đến 12 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay, Thành phố chưa có mức thưởng cụ thể nào đối với các giáo viên, học sinh, học viên đạt thành tích trong các cuộc thi, kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế của thành phố Hà Nội.
Trong khi đó, tại một số địa phương khác, mức thưởng này rất cao. Chẳng hạn, Quảng Ninh chi thưởng 700 triệu đồng cho học sinh giành Huy chương Vàng Olympic quốc tế; tiếp đến là Hải Phòng, Bắc Ninh với mức thưởng 500 triệu đồng, Vĩnh Phúc thưởng 400 triệu đồng. Nhiều tỉnh, thành phố khác có mức thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Với các kỳ thi cấp quốc gia, Kiên Giang dẫn đầu với mức thưởng 100 triệu đồng cho giải Nhất; tiếp đến là Quảng Nam với 65 triệu đồng. Nhiều nơi chi 40 - 50 triệu đồng như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...
Điều này đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới chính sách đãi ngộ, khen thưởng, khuyến khích đối với đội ngũ các nhà giáo, học sinh, học viên xuất sắc của Thành phố. “Để Thủ đô trở thành trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao như Luật Thủ đô đề cập, việc nâng mức thưởng, khuyến khích, động viên học sinh là phù hợp”, anh Vũ Quang Anh (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) bày tỏ.
Để thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền Thành phố đối với ngành GD&ĐT Thủ đô, coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, ưu tiên đầu tư cho chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, Hà Nội đang xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định mức thưởng đối với các giáo viên, học sinh, học viên đạt thành tích cao trong các cuộc thi, kỳ thi cấp thành phố, quốc gia, quốc tế của thành phố Hà Nội.
Theo dự thảo Nghị quyết, học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế và tương đương do Bộ GD&ĐT cử tham dự: Huy chương Vàng thưởng 250 triệu đồng; Huy chương Bạc thưởng 200 triệu đồng; Huy chương đồng thưởng 150 triệu đồng; giải Khuyến khích, giải chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng thưởng 100 triệu đồng. Học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi Olympic khu vực các môn học, thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật khu vực và tương đương do Bộ GD&ĐT cử tham dự: Huy chương Vàng thưởng 150 triệu đồng; Huy chương Bạc thưởng 120 triệu đồng; Huy chương Đồng thưởng 90 triệu đồng; giải Khuyến khích, giải chuyên đề và các giải theo cơ cấu giải thưởng thưởng 50 triệu đồng.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định mức thưởng đối với học sinh, học viên đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; học sinh, học viên đoạt giải Nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức; học sinh đoạt giải tại Chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia…
Giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải được hưởng theo nguyên tắc bằng 70% mức thưởng của học sinh, học viên. Tập thể các giáo viên cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên được hưởng theo nguyên tắc bằng 30% mức thưởng của giáo viên trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng học sinh, học viên đoạt giải. Như vậy, nếu dự thảo Nghị quyết được thông qua, mức thưởng dành cho giáo viên, học sinh sẽ tăng lên đáng kể so với hiện tại.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chu-trong-nang-cao-chat-luong-giao-duc-mui-nhon-174898.html