Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trong các khu công nghiệp
Trước những khó khăn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, kiến nghị với chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động.
Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, hiện trên địa bàn Thành phố có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao đã đi vào hoạt động; Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đang quản lý trực tiếp 306 công đoàn cơ sở trực thuộc với 140.927 lao động, số đoàn viên là 130.697 người.
Trong những năm qua, phong trào công nhân viên chức lao động, hoạt động công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã được triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo công nhân lao động tham gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của công đoàn cơ sở vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, đã gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả của các hoạt động, phong trào.
Có thể kể đến các khó khăn như: Cán bộ công đoàn cơ sở thường xuyên biến động nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt như Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, do vậy Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội luôn phải tập trung kiện toàn bộ máy và hướng dẫn đào tạo.
Về bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn đối với các tổ chức công đoàn cơ sở chưa được người sử dụng lao động quan tâm đúng mức theo điều 24 Luật Công đoàn 2012 quy định về thời gian hoạt động công đoàn đối với cán bộ công đoàn cơ sở: “Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương…”.
Nhận thức và hiểu biết về pháp luật của cán bộ và đoàn viên, người lao động tại một số tổ chức công đoàn cơ sở còn hạn chế, còn mang nặng tâm lý phụ thuộc vào người sử dụng lao động; chưa mạnh dạn trong việc đối thoại với người sử dụng lao động cũng như chủ động đề nghị người sử dụng lao động phối hợp tổ chức hội nghị người lao động, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, chưa thực sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Từ những khó khăn bất cập nêu trên, Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, thông qua kiểm tra, đoàn kiến nghị với chủ doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động.
Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn… bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức đối thoại với công nhân lao động, cấp phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, sổ tay pháp luật… nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và công nhân lao động. Qua đó, giúp họ hiểu rõ về quy định của pháp luật nhằm giảm thiểu tranh chấp lao động tập thể, cá nhân tại các khu công nghiệp.
Theo ông Đinh Quốc Toản, để phát huy vai trò trực tiếp của công đoàn cơ sở trong việc tập hợp, thu hút, đại diện bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động trong các khu công nghiệp, thời gian tới, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Từ đó, kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với công nhân lao động theo quy định của pháp luật tại doanh nghiệp, kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho công nhân lao động và người sử dụng lao động về những quy định của pháp luật lao động và pháp luật công đoàn; về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, sự cần thiết của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, chăm lo bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động, tổ chức các phong trào hoạt động trong doanh nghiệp, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững.
Tập trung đào tạo ngũ cán bộ công đoàn cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đảm bảo chất lượng có trình độ, bản lĩnh, tâm huyết, nhiệt tình thông qua đàm phán thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, đổi mới nội dung và hình thức hoạt động theo hướng hiệu quả và thiết thực tập trung xây dựng tiêu chuẩn. Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có chế tài đủ mạnh nhằm bảo vệ cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn cơ sở; tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp hoạt động.