Chú trọng nâng cao tay nghề cho công nhân
Để giúp công nhân thích ứng nhanh với công việc, đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nâng cao tay nghề cho công nhân.
Thông qua nhiều hình thức như tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy tại các xưởng, đào tạo trực tiếp trên máy hoặc liên kết với các trường nghề đào tạo tay nghề cho công nhân đã giúp họ có tay nghề vững để vận dụng vào sản xuất tại DN, thích ứng nhanh công nghệ, máy móc hiện đại.
* Công nghệ mới đòi hỏi công nhân có tay nghề
Nhiều năm nay, Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch), nơi có 2.800 lao động, chuyên sản xuất các loại dụng cụ chơi golf thường xuyên sử dụng máy móc hiện đại vào sản xuất. Để công nhân thích ứng nhanh và vận hành thành thạo các loại máy, công ty thường xuyên mời chuyên gia trong nước về huấn luyện tay nghề, kỹ thuật cho người lao động. Cùng với đó, kết hợp với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm cho tổ trưởng, quản lý và công nhân trực tiếp sản xuất.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam Đỗ Thị Thúy Kiều cho biết, các sản phẩm sản xuất tại công ty chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài nên DN luôn chú trọng đổi mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, đòi hỏi về tay nghề, kinh nghiệm của công nhân trong công việc cũng cao hơn. Khi tuyển dụng công nhân vào làm việc, công ty tổ chức lớp đào tạo công nhân khoảng hai tuần để nắm bắt yêu cầu công việc. Ngoài đào tạo trực tiếp trên các chuyền sản xuất, công ty còn mở các lớp đào tạo vào buổi tối cuối tuần trong vòng 6 tháng cho công nhân ở bộ phận cải thiện và được cấp chứng chỉ đào tạo nghề, mỗi lớp sẽ có 10-20 công nhân tham gia. Những công nhân được đào tạo vẫn được hưởng lương và các khoản trợ cấp bình thường. Ngoài ra, công ty sẽ xét trình độ tay nghề để tăng lương cho người lao động và được xét theo bậc.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch Lưu Thanh Bình cho hay, Công đoàn huyện luôn khuyến khích các Công đoàn cơ sở phối hợp DN nâng cao tay nghề cho công nhân. Công nhân nào đạt kết quả tốt, ban lãnh đạo công ty sẽ có chính sách thỏa đáng, cụ thể nhất là chế độ tăng lương hằng năm. Điều này khích lệ anh chị em ra sức thi đua nhằm đạt được kết quả tốt nhất.
Cũng là DN chú trọng huấn luyện tay nghề cho người lao động, Công ty cổ phần quốc tế Pancera (KCN Gò Dầu, huyện Long Thành) thường xuyên mời các chuyên gia nước ngoài về dạy nghề cho công nhân. Anh Nguyễn Văn Hậu, công nhân trực tiếp vận hành máy cho biết, mỗi chuyền sản xuất đều có cấu tạo và cách vận hành khác nhau nên dù bản thân đã có kinh nghiệm nhưng anh vẫn phải tham gia đào tạo nghề lại từ đầu. “Sau khi được công ty cho tham gia một lớp nâng cao tay nghề, tôi thấy mình tự tin hơn trong công việc. Đặc biệt là nhiều cấu tạo phức tạp của các loại máy hiện đại cũng như quy trình vận hành, xử lý khi máy gặp sự cố” - anh Nguyễn Văn Hậu chia sẻ.
Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần quốc tế Pancera Nguyễn Công Đoàn cho hay, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đòi hỏi DN phải có đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Tuy nhiên việc tuyển dụng lao động có tay nghề, thích ứng nhanh với công việc ngay rất khó. Trong khi đó, với yêu cầu thường xuyên đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm từ khách hàng, đa số các DN đều nhập các loại máy hiện đại, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao theo đơn đặt hàng. Với yêu cầu đó, ngay từ khi tuyển công nhân vào, DN đã mở các lớp đào tạo tay nghề về các nội quy và kỹ thuật vận hành máy trong sản xuất đồng thời hướng dẫn công nhân làm việc hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tránh các sự cố dễ gặp phải ảnh hưởng đến quy trình sản xuất.
* Thích ứng nhanh với công việc
Thời gian qua, nhiều hội thi tay nghề, các phong trào thi đua trong lao động được các DN phát động, thu hút đông đảo người lao động hưởng ứng, tham gia. Tại đây, người lao động có thể trình bày những sáng kiến, sáng tạo trong quá trình làm việc của mình. Nhiều ý tưởng có giá trị thực tế, gắn liền với thao tác công việc được công nhân đưa ra nhằm cải thiện tốt hơn hiệu quả lao động.
Anh Trần Văn Lân, công nhân Công ty TNHH Tokin Electronics (KCN Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Mục tiêu của công ty không ngừng đổi mới, cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, nên chúng tôi luôn học hỏi, tham gia các lớp huấn luyện để nâng cao tay nghề, chủ động làm chủ công việc. Tôi rất phấn khởi khi công ty tổ chức những hội thi tay nghề sáng tạo trong lao động cho công nhân, đây là cơ hội để công nhân phát huy những tiềm năng kỹ thuật vốn có”.
Ngoài việc tổ chức hội thi tay nghề cho công nhân, nhiều DN đã chủ động liên kết với trường dạy nghề hoặc mời các chuyên gia mở khóa đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động theo từng khâu, từng công đoạn nhằm từng bước chuyên môn hóa, bắt kịp tốc độ làm việc của tập thể. Đề tài và hình thức đào tạo được xây dựng dựa trên đặc thù của từng công đoạn lao động. Công nhân khâu nào thì thi theo khâu đấy. Thành tích đạt yêu cầu thì công ty cấp chứng nhận tay nghề, giới hạn theo thời gian.
Anh Đỗ Đình Hiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần công nghiệp chính xác Việt Nam (KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom) cho biết, DN luôn chú trọng đào tạo nghề cho công nhân. Nhờ đó, sau khi được đào tạo, công nhân đã cải thiện máy móc cũ hoạt động hiệu quả, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện tại nơi sản xuất. “Việc kiểm tra tay nghề công nhân sau các buổi đào tạo tay nghề giúp ban lãnh đạo công ty có điều kiện đánh giá được tay nghề của công nhân, từ đó có kế hoạch khen thưởng kịp thời. Qua đó, có hơn 75% công nhân có tay nghề vững, 25% công nhân nắm khá chắc quy trình vận hành máy” - anh Đỗ Đình Hiệp chia sẻ.