Chú trọng phân loại làng nghề để chống ô nhiễm môi trường

Sự phát triển phức tạp của làng nghề tại Hà Nội trong thời gian gần đây đã khiến môi trường nước ở những nơi này bị ô nhiễm nghiêm trọng là thực trạng nhức nhối từ nhiều năm nay. Nhằm khắc phục triệt để tình trạng trên, TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch trong 2 năm (2016 - 2017) nhằm phân loại làng nghề để có biện pháp cụ thể khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Sống chung với ô nhiễm

Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 10 km, từ lâu đã nổi tiếng với nghề thu gom phế thải, lông vũ, tái chế nhựa. Từ thập niên 90 trở lại đây, các ngành nghề phụ với mức thu nhập cao từ Triều Khúc cũng đã lan sang làng Yên Xá, vốn chỉ thuần nông.

Người dân trong vùng cũng từng thừa nhận thực tế, sự phát triển đa ngành nghề, nhất là hoạt động xay xát, tái chế nhựa phế liệu, sơ chế lông vũ, nhuộm hấp chỉ… đang khiến môi trường của làng bị ô nhiễm. Bà Thanh Yên – một hộ dân làm nghề tái chế nhựa từ nhiều năm nay - cho biết quy trình sản xuất hiện vẫn còn quá thủ công. Nhựa thu gom về sẽ được cắt ra để cho vào máy xay. Nước thải từ quá trình xay xát nhựa tại gia đình bà được xả thẳng xuống cống chung mà không qua hệ thống xử lý nào. Được biết không chỉ riêng cơ cở sản xuất nhà bà Yên mà toàn bộ nước thải của các cơ sở sản xuất trong làng đều được xả thẳng ra môi trường khiến hệ thống nước mặt xung quanh Triều Khúc bị ô nhiễm nặng. Hầu hết các ao hồ trong làng đều không thể nuôi được cá, do phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải.

Miến được sản xuất tại làng Cự Đà được phơi cạnh dòng sông ô nhiễm nước màu đen kịt

Miến được sản xuất tại làng Cự Đà được phơi cạnh dòng sông ô nhiễm nước màu đen kịt

Thực trạng ô nhiễm còn được phản ánh tại làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Làng miến này đang đứng trước nguy cơ đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nằm trải dài bên bờ sông Nhuệ, dòng sông được mệnh danh là “thiên đường ô nhiễm”. Dạo quanh các cơ sở sản xuất miến, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những phên nứa trải đầy miến, mùi chua chua, ngai ngái bốc lên từ những bể ngâm bột dong riềng, mùi xú uế từ những cống rãnh đen ngòm do ứ đọng chất thải. Điều đáng nói là các rãnh thoát nước trong làng, mặc dù đã được bê tông hóa, song vẫn bốc lên mùi hôi thối do nước thải từ hoạt động của các hộ làm nghề trong làng đều xả thẳng xuống cống chung để đổ ra sông Nhuệ mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nước thải nào.

Từ thực trạng trên có thể thấy Triều Khúc hay Cự Đà không phải là làng nghề duy nhất trên địa bàn Hà Nội gây ô nhiễm môi trường nước.

Phân loại làng nghề để chống ô nhiễm

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút gần 750.000 lao động. Về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Sở Công Thương thành phố cũng thẳng thắn chỉ rõ, hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom xử lý chất thải rắn mà thải thẳng ra môi trường. Thực trạng này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để khắc phục triệt để tình trạng trên.

Kết quả quan trắc chất lượng nước thải tại các làng nghề của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho thấy, 100% số làng nghề được quan trắc đều có ít nhất 3 chỉ tiêu phân tích nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm có chỉ tiêu quan trắc vượt tiêu chuẩn cho phép cao nhất đến 9.200 lần so với quy chuẩn cho phép. Môi trường không khí bị ô nhiễm cục bộ tại các làng nghề sắt thép và gốm sứ… Ô nhiễm tiếng ồn tại các làng nghề cơ khí, dệt may…

Theo thông tin mới nhất từ UBND TP. Hà Nội, nhằm từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm các làng nghề, TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch trong 2 năm (2016 - 2017) sẽ tiến hành điều tra, thống kê, kiểm kê, phân loại làng nghề trên địa bàn thành phố theo 8 loại hình sản xuất gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc; loại hình khác. Bên cạnh đó, thống kê, phân loại các cơ sở trong làng nghề trên địa bàn các xã theo các nhóm A (cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thấp), nhóm B (cơ sở có một hoặc một số công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao) và nhóm C (cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tiến hành rà soát các điều kiện bảo vệ môi trường đối với các làng nghề đã được công nhận, lập kế hoạch khắc phục và triển khai thực hiện đối với các làng nghề đã được công nhận, nhưng chưa đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.

K.Linh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chu-trong-phan-loai-lang-nghe-de-chong-o-nhiem-moi-truong-31721.html