Chú trọng phát triển hạ tầng dịch vụ logistics phục vụ thương mại biên giới
Với vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược của cả nước và quốc tế, tỉnh Lào Cai được đánh giá là đầu mối, cầu nối quan trọng về giao thương, giao lưu văn hóa không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN; là trung tâm trung chuyển hàng hóa và dịch vụ logistics quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối quan trọng của hành lang Bắc Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mekong (GMS); là cửa ngõ quan trọng trong cung đường vận chuyển ngắn nhất từ Côn Minh ra biển Đông (cảng Hải Phòng) với 791km, đầy đủ các loại hình giao thông kết nối... Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Lào Cai vẫn chưa có trung tâm logistics lớn tầm cỡ quốc tế.

Quy hoạch chi tiết khu logistics (dịch vụ hậu cần) thuộc khu Kim Thành - Bản Vược, tổng diện tích quy hoạch 332ha, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Lào CaI. Ảnh: CTV
Những năm qua, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã triển khai xây dựng, ban hành Đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Đề án 340/ĐA-UBND ngày 26/8/2021), trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư xây dựng trung tâm logistics trong khu Kim Thành - Bản Vược (Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai) diện tích 30 - 40ha. Đây là khu vực kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cảng cạn, xe các khu công nghiệp, các cặp cửa khẩu quốc tế... Phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Giang; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (Hải Phòng, Hòn Gai, Cái Lân), cảng hàng không, nhà ga, bến xe các khu công nghiệp, các cửa khẩu (Lào Cai, Hà Giang).
Tỉnh Lào Cai cũng đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống các kho, bãi lưu giữ hàng hóa thông thường và các kho chuyên dụng như: Kho lạnh, kho mát trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tập trung tại các khu vực cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu giữ đa dạng các loại hàng hóa như: Thực phẩm đông lạnh, thủy, hải sản, thực phẩm tươi sống, các loại trái cây, hóa chất các loại... Đồng thời, triển khai xây dựng, ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu logistics (dịch vụ hậu cần) thuộc khu Kim Thành - Bản Vược, tổng diện tích quy hoạch 332ha, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được phê duyệt quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, khu vực chức năng logistics và kho bãi (khu logistics, kho chuyên dụng...) được quy hoạch với tổng diện tích là 53,64ha.
Đến hết năm 2023, địa phương này đã hoàn thành, khắc phục, sửa chữa nhiều hạ tầng giao thông quan trọng như: Hoàn thành việc mở rộng lên 4 làn xe tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai) với chiều dài 25km (trên tổng 123km đã đầu tư giai đoạn 1 có 2 làn xe); xây dựng nhà liên ngành cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành; xây dựng đường Kim Thành - Ngòi Phát (tỉnh lộ 156) với chiều dài 15km; sửa chữa 3 cầu yếu (Quang Kim, Bản Vai, Bản Vược) trên tỉnh lộ 156B; sửa chữa quốc lộ 4D đoạn Bản Phiệt - Mường Khương; hoàn thành tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới Sa Pa...
Hệ thống các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Lào Cai cũng được duy tu, bảo trì góp phần nâng cao tuổi thọ khai thác và hiệu quả đầu tư nguồn vốn. Công tác sửa chữa định kỳ, xử lý các điểm tiềm ẩn, điểm đen tai nạn giao thông trên các tuyến đường, các công trình cầu cống xuống cấp được lập kế hoạch sửa chữa, khắc phục kịp thời cùng với việc tăng cường xử lý vi phạm về hành lang đã góp phần nâng cao đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn. Công tác khắc phục hậu quả lụt, bão, bảo đảm giao thông bước 1 được quan tâm chỉ đạo, huy động tối đa nhân lực, thiết bị máy móc đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong thời gian ngắn nhất từ khi xảy ra thiên tai.
Để thuận lợi cho quá trình khai thác, quản lý, tăng khả năng kết nối giữa các quốc lộ trên địa bàn tỉnh với cửa khẩu, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tăng cường kết nối với các khu du lịch, khu di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, góp phần phát triển du lịch và văn hóa của địa phương, phát triển kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lào Cai đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chuyển các tuyến đường tỉnh thành quốc lộ 4E kéo dài và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch hệ thống đường bộ thời kỳ 2021- 2030. Tỉnh Lào Cai tích cực hoàn thiện các thủ tục liên quan để trình Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định theo quy hoạch đã phê duyệt; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng để tăng khả năng liên kết vùng, liên kết giữa các phương thức vận tải. Trong đó, ưu tiên đầu tư một số công trình quan trọng, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn và mang tính kết nối như: Cầu Làng Giàng, nút giao Phố Lu, cầu Phú Thịnh, cầu biên giới tại Bản Vược; đường kết nối từ cầu Làng Giàng đến quốc lộ 70; cảng hàng không Sa Pa...

Kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực phát triển chủ đạo của tỉnh Lào Cai. Ảnh: CTV
Nhằm góp phần nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tuy nhiên, hiện tại, hạ tầng giao thông vận tải còn hạn chế, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics tại Lào Cai khá cao, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Lào Cai. Ngoài cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quy mô hệ thống quốc lộ chủ yếu đạt tiêu chuẩn cấp IV, đường tỉnh đạt cấp V, VI. Đường sắt mặc dù có kết nối với đường sắt Trung Quốc nhưng không đồng bộ về khổ đường ray nên hiệu quả khai thác hạn chế. Hệ thống sông qua địa bàn nhỏ, dốc, nhiều đá ngầm khi khai thác vận tải. Chưa có cảng hàng không - sân bay... Do vậy, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức, trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được phê duyệt mở rộng phạm vi và quy hoạch chung, tuy nhiên, hệ thống trang thiết bị phục vụ thông quan tự động, nguồn vốn phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng còn hạn hẹp. Cơ chế chính sách hiện chưa có tính đột phá để hỗ trợ cho hoạt động logistics, đặc biệt là chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong nông nghiệp của tỉnh còn mới phát triển chưa tương xứng với khả năng.
Để nâng cao hơn nữa việc cải thiện hiệu quả logistics, năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã đề ra một số giải pháp quan trọng, trong đó có đề nghị Chính phủ cần sớm hoàn chỉnh khung pháp lý cho hoạt động logistics, phân định rõ lĩnh vực quản lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan; thành lập Ủy ban quốc gia về logistics với vai trò cơ quan điều phối tổng thể hoạt động logistics cả nước; chỉ đạo đẩy nhanh ban hành và thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình hành động thực hiện chiến lược này hoàn thiện môi trường pháp lý cũng như phát triển hạ tầng logistics đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, thúc đẩy kết nối logistics các địa phương...