Chú trọng phát triển kinh tế vùng gò đồi ở Hải Lâm

Bên cạnh đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao, thời gian qua, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng đã khuyến khích người dân khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển KT - XH ở địa phương.

 Xã Hải Lâm tập trung phát triển lâm nghiệp ở vùng gò đồi - Ảnh: K.S

Xã Hải Lâm tập trung phát triển lâm nghiệp ở vùng gò đồi - Ảnh: K.S

Xác định kinh tế vùng gò đồi đóng vai trò quan trọng, xã Hải Lâm đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi kinh tế vườn đồi, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị. Chỉ đạo chuyển đổi rừng sở hữu tập thể sang hộ cá thể để phát triển trang trại lâm nghiệp. Tập trung phát triển và hình thành vùng kinh tế trọng điểm về lâm nghiệp, vườn đồi, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây tiêu, cây chè ở vùng Nà Tiên, Thượng Nguyên, Trường Phước, Tân Phước. Chú trọng sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện để người dân tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Tập trung phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chú trọng thâm canh tăng năng suất. Tận dụng mặt nước từ các hồ đập thủy lợi và diện tích hồ cá hiện có để phát huy thế mạnh nuôi cá ở địa phương…

Nhờ đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp tích cực, kinh tế vùng gò đồi ở Hải Lâm ngày càng phát triển khá toàn diện. Riêng trong năm 2021, xã duy trì hiệu quả 28 mô hình phát triển kinh tế sau dịch tả lợn Châu Phi, chuyển đổi thành công mô hình biogas, mô hình trồng hoa 800 m2 ở Mai Đàn cho thu nhập 150 triệu đồng/năm; 5 ha sen - cá ở Trường Phước kết hợp du lịch ; mô hình trồng bưởi Thượng Nguyên 0,7 ha; mô hình trồng cam 1,2 ha; trang trại nuôi dê thâm canh 30 - 50 con ở Xuân Lâm; trang trại tổng hợp quy mô 4,5 ha của ông Nguyễn Vĩnh Hùng tại Tân Phước có tổng mức đầu tư trên 5 tỉ đồng…

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi và dịch viêm da nổi cục trên đàn gia súc nhưng nhờ sự chỉ đạo tích cực và sự đầu tư phát triển của người dân, tình hình chăn nuôi ở xã có bước phát triển đáng kể, đặc biệt trong đó, đàn lợn 4.650 con (riêng lợn nái 974 con), đạt 103% kế hoạch; đàn gia cầm 260.000 con, đạt 104% kế hoạch, có 2 cơ sở kinh doanh giống gia cầm đã xuất bán hơn 15.000 con giống; đàn dê 450 con, đàn thỏ hơn 2.000 con; có 5 hộ nuôi ong lấy mật với 1.100 đàn; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 705 tấn đạt 100,7% kế hoạch.

Các thôn cũng đã vận động người dân tiếp tục phá bỏ tre, mung, các cây kém hiệu quả trong vườn và trồng mới cây phục hồi sau những trận lũ năm 2020 với 94 vườn (3.850 cây các loại), đặc biệt, trong đó có một số mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Dừa lùn, ổi, bưởi, cam được người dân đưa vào trồng, phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, xã tổ chức kiểm tra và cho khai thác 182 ha rừng với 18.700 m3 gỗ; duy trì 172 ha rừng FSC và khai thác nhựa 25 ha rừng thông ở Trường Phước. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn để tăng nguồn thu nhập. Toàn xã đã chuyển đổi được 29 vườn tạp với 1.840 cây ăn quả phục hồi sau lũ lụt.

Các ngành nghề phục vụ, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ở vùng gò đồi ngày càng phát triển như: Dịch vụ khai thác gỗ lâm nghiệp, các điểm thu mua hàng nông sản, cơ sở cơ khí, mộc... đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhìn chung, các mô hình kinh tế vùng gò đồi ở xã Hải Lâm đã tạo sự chuyển biến tích cực về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, xây dựng nông nghiệp phát triển theo hướng đa dạng, bền vững, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống Nhân dân; góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã đạt 9/12 tiêu chí và 19/25 chỉ tiêu nông thôn mới nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Nguyễn Minh Hoàng cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, xã tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ. Giảm bớt diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng một số cây con có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi bò nhốt, trồng cỏ, nuôi cá, lợn chuyên canh, phát triển kinh tế lâm nghiệp và gò đồi. Có chính sách khuyến khích các mô hình chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp, bấp bênh sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, ngô. Tập trung chỉ đạo quy hoạch, khai hoang để đẩy mạnh chuyển một số đất lâm nghiệp sang phát triển trang trại trồng sắn nguyên liệu. Đưa các kỹ thuật mới vào chăn nuôi để ứng dụng tăng năng suất và chất lượng đàn gia súc, gia cầm. Xây dựng chính sách phát triển cây và con trên địa bàn xã giai đoạn 2022 - 2025.Củng cố và phát triển các gia trại gò đồi hiện có. Phấn đấu mỗi gia trại thu nhập trên 100 - 150 triệu đồng/năm. Xây dựng sản phẩm cây chè đồi và cơ sở chế biến tinh dầu sả, tràm, cỏ hôi trên địa bàn xã đạt tiêu chuẩn 3 sao sản phẩm OCOP”.

Kô Kăn Sương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163305&title=chu-trong-phat-trien-kinh-te-vung-go-doi-o-hai-lam