Đầu tư cho hoạt động Đoàn tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Việc thành lập tổ chức Đoàn, đầu tư cho hoạt động Đoàn trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và kỹ năng cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.
Tuy nhiên, việc thành lập tổ chức Đoàn, đầu tư cho hoạt động Đoàn tại một số cơ sở GDNN hiện nay còn nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả hoạt động Đoàn chưa cao.
Chưa quan tâm đúng mức
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Võ Văn Trung cho biết, toàn tỉnh hiện có 57 cơ sở GDNN (bao gồm: các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề). Việc thành lập tổ chức Đoàn, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn là nhiệm vụ quan trọng được tổ chức Đoàn các cấp tập trung thực hiện.
Tuy nhiên, tính đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 19 đơn vị có tổ chức Đoàn (chiếm trên 33,3%). Con số này còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô học sinh tại cơ sở GDNN.
Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn VÕ VĂN TRUNG cho rằng, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống giúp hoàn thiện nhân cách, khơi dậy khát vọng cống hiến, tạo động lực để học sinh trong cơ sở GDNN vươn lên trong học tập, phát triển nghề nghiệp.
Hoạt động Đoàn ở một số cơ sở GDNN có tổ chức Đoàn chưa thật sự sôi nổi. Theo chia sẻ của Bí thư Đoàn trong các cơ sở GDNN, cán bộ Đoàn trong các cơ sở này phải kiêm nhiệm nhiều việc. Chưa kể, hiện các cơ sở GDNN hạn chế tuyển dụng nhân sự khiến việc tạo nguồn cán bộ Đoàn trở nên khó khăn hơn. Một bộ phận cán bộ Đoàn trong cơ sở GDNN lớn tuổi nhưng vẫn chưa có nguồn thay thế.
Thậm chí như Chi đoàn Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên huyện Nhơn Trạch (trực thuộc Huyện đoàn Nhơn Trạch) nhiều năm không có phó bí thư chi đoàn. Bí thư chi đoàn bị bệnh hiểm nghèo qua đời đến nay vẫn chưa tìm được nhân sự thay thế.
Nhận thức của đoàn viên, học sinh trong các cơ sở GDNN cũng ảnh hưởng đến việc tham gia sinh hoạt Đoàn. Phần lớn học sinh ở các cơ sở GDNN do không thể giành được tấm “vé” vào trường trung học phổ thông công lập nên mới lựa chọn đi học trường nghề. Do đó, các em có tâm lý khép mình lại, không hồ hởi với hoạt động phong trào. Chưa kể với đặc thù vừa học văn hóa, vừa học nghề; một số học sinh còn vừa học, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống nên thời gian dành cho hoạt động Đoàn cũng eo hẹp hơn…, dẫn đến chất lượng hoạt động Đoàn trong cơ sở GDNN chưa cao.
Cần những giải pháp đồng bộ
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai Trương Đức Cường cho rằng, hoạt động Đoàn trong các cơ sở GDNN đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng cho đoàn viên, học sinh, góp phần giảm tệ nạn xã hội, tạo phong trào học tập sôi nổi trong học sinh, nâng cao chất lượng dạy và học, cung cấp nguồn lao động chất lượng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Để hoạt động Đoàn trong các cơ sở GDNN đạt hiệu quả, theo thầy Cường, cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó, cấp ủy, ban giám hiệu nhà trường đóng vai trò quan trọng. Nhận thức được điều này, thời gian qua, Chi bộ, Ban giám hiệu Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai luôn quan tâm, tạo điều kiện để Đoàn trường hoạt động. Cụ thể, Chi bộ nhà trường đã ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác Đoàn và Phong trào Thanh niên; định kỳ tổ chức giao ban, sơ kết, tổng kết nhằm nắm bắt tình hình hoạt động Đoàn và Phong trào Thanh niên để kịp thời chỉ đạo, định hướng.
Bên cạnh đó, cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường dành một khoản cố định trong chi tiêu nội bộ để Đoàn trường hoạt động. Ngoài khoản kinh phí cố định, Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường còn ủng hộ thêm cho các chương trình, hoạt động. Nhà trường cũng mạnh dạn giao cho Đoàn những công trình, phần việc thanh niên. Nhà trường rất quan tâm đến công tác cán bộ Đoàn; có những hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ, ĐVTN tiêu biểu.
Theo Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Võ Văn Trung, hoạt động Đoàn ở các cơ sở GDNN cần phải bám sát với đặc thù và nhu cầu của học sinh để thu hút học sinh đến với hoạt động phong trào. Trong đó chú trọng đến các hoạt động trang bị kỹ năng, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần, tiền hôn nhân; tổ chức các hội thi tay nghề tạo cơ hội để đoàn viên, học sinh rèn luyện, thử sức và khẳng định giá trị của bản thân trong lĩnh vực nghề nghiệp…
Thêm vào đó, triển khai sâu rộng Phong trào Học sinh 3 rèn luyện (gồm: rèn luyện đạo đức, tác phong; nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề; rèn luyện kỹ năng, thái độ nghề nghiệp) nhằm tạo điều kiện, môi trường cho học sinh rèn luyện, phấn đấu, trang bị những hành trang cần thiết để lập thân, lập nghiệp sau khi ra trường.