Chú trọng phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường

Trong đời sống tinh thần, đọc sách là nhu cầu cần thiết đối với mỗi người. Việc đọc và sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện... là hành động thiết thực góp phần hình thành, duy trì và phát triển văn hóa đọc. Thời gian qua, văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh đã có sự lan tỏa nhưng chưa tạo được hứng khởi, đam mê cho mọi đối tượng độc giả. Nhân Ngày sách Việt Nam (21-4), phóng viên (PV) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã phỏng vấn ông Trần Đại Chính, Giám đốc Thư viện tỉnh về văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh.

PV: Ông cho biết thực trạng về văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

Ông Trần Đại Chính: Văn hóa đọc trên địa bàn Bình Phước thời gian qua đã có những bước phát triển tương đối trên tất cả các mặt. Về chính sách, cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 999-QĐ/TU ngày 10-4-2018 về thực hiện Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó xác định thư viện là thiết chế văn hóa độc lập và UBND tỉnh thuận chủ trương cho xây dựng Đề án kiện toàn, củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Về đầu tư nguồn lực thông tin thư viện cũng rất được quan tâm. Hằng năm, ngân sách tỉnh đã đầu tư bổ sung khoảng 10.000 bản sách gồm 2 loại sách giấy và sách điện tử, nâng tổng kho sách của Thư viện tỉnh lên 120.000 bản sách. Ngoài ra, nguồn ngân sách sự nghiệp công nghệ thông tin phục vụ nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh đầu tư cho Thư viện tỉnh Đề án số hóa tài liệu với mức đầu tư 5 tỷ đồng. Trong năm 2019, Thư viện tỉnh đã tổ chức khai thác và phục vụ gần 3 triệu lượt độc giả (trong đó gần 10.000 lượt phục vụ tại chỗ) trên tất cả ứng dụng và dịch vụ từ tiện ích thư viện.

Xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ học sinh trên địa bàn huyện Phú Riềng tới đọc sách - Ảnh chụp năm 2019

Đối với hoạt động thư viện tại các huyện, đa phần còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một số địa phương có những điểm sáng về hoạt động phục vụ tại chỗ, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, tham gia liên hoan thiếu nhi kể chuyện theo sách hằng năm như Thư viện huyện Đồng Phú, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Hớn Quản, Trung tâm Văn hóa - Thể thao thị xã Phước Long... Đặc biệt, đội tuyển thiếu nhi của Thư viện tỉnh đoạt giải A tại Liên hoan thiếu nhi kể chuyện theo sách do Liên hiệp Thư viện khu vực miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ tổ chức năm 2019 và được Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng bằng khen.

Có thể nói, văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh bước đầu đã được hình thành, duy trì và sẽ phát huy trong tương lai. Mặc dù văn hóa đọc có bị ảnh hưởng của các tiện ích công nghệ khác nhưng nếu môi trường văn hóa đọc được đầu tư tốt, tin tưởng rằng văn hóa đọc sẽ tiếp tục được người dân quan tâm, dần hình thành thói quen và gắn bó. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, mọi người có xu hướng sống chậm lại sẽ tạo điều kiện cho văn hóa đọc phát triển.

PV: Thưa ông, lợi ích của việc đọc sách là gì? Người đọc sách phải có những kỹ năng gì để phát huy hiệu quả của việc đọc sách?

Ông Trần Đại Chính: Tiểu thuyết gia người Mỹ, Louisa May Alcott có nói: Sách hay cũng như bạn tốt, ít và được chọn lựa; chọn lựa càng nhiều, thưởng thức càng nhiều. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, đọc sách không chỉ để tiếp nhận kiến thức mà còn để hoàn thiện nhân cách, phát triển con người. Bởi đọc sách được xem là hoạt động thể dục giúp kích thích não bộ hoạt động khỏe mạnh. Khi đọc sách, chúng ta phải suy nghĩ, ghi nhớ thông tin sẽ làm tăng khả năng liên kết của thần kinh. Đọc sách còn giúp trau dồi kiến thức vì đây là cách tốt nhất để tiếp thu văn hóa thế giới, làm giàu thêm vốn hiểu biết của mình. Đọc sách còn giúp củng cố vốn từ và cách hành văn; tăng cường khả năng tư duy và sáng tạo; cải thiện khả năng tập trung; hoàn thiện nhân cách.

Tuy vậy, ai cũng biết đọc sách là rất tốt nhưng không nhiều người biết đọc sách hiệu quả. Theo tôi, đọc sách cần phải có một số kỹ năng cần thiết. Trước tiên cần xác định mục đích của việc đọc sách. Nếu xác định tốt mục đích đọc thì sẽ tránh được việc đọc tràn lan và hoạt động đọc sẽ tập trung vào những nội dung cơ bản, quan trọng cần tìm hiểu. Việc đọc lời tựa cuốn sách sẽ giúp hiểu được cuốn sách viết về đề tài gì, cho đối tượng nào để lựa chọn nội dung phù hợp. Để nắm được nội dung cuốn sách, bạn đọc cần có phương pháp đọc sách đúng cách. Khi đọc cần hình dung những ý tưởng trong sách thành những hình ảnh, sự vật, sự việc cụ thể, tiến hành so sánh, liên tưởng với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế đã có để phát hiện ra bản chất của vấn đề, làm rõ những thắc mắc và tăng vốn hiểu biết để chuyển hóa kiến thức trong sách thành của mình. Tập trung khi đọc sẽ giúp suy nghĩ cặn kẽ, tư duy tích cực và ghi nhớ được nội dung cuốn sách. Bên cạnh đó, cần chọn một không gian đọc yên tĩnh, thoáng mát, có ánh sáng, đọc trong tư thế thoải mái.

Và để giúp độc giả đọc sách có hiệu quả, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã phối hợp với các đối tác tổ chức các khóa hướng dẫn phương pháp đọc sách hiệu quả, đọc sách siêu tốc và tổ chức các hoạt động tương tác giúp bạn đọc của thư viện tiếp thu các phương pháp đọc sách với những kỹ năng phù hợp hoạt động đọc.

PV: Theo ông, để phát triển văn hóa đọc ở Bình Phước, trong thời gian tới cần có các giải pháp gì?

Ông Trần Đại Chính: Để phát triển văn hóa đọc ở Bình Phước trong thời gian tới, theo tôi cần có những giải pháp như: Tiếp tục kiện toàn và củng cố hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh. Đầu tư xây dựng Thư viện tỉnh đủ điều kiện và nguồn lực theo quy định của Luật Thư viện (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020) và tăng đầu tư để bổ sung nguồn lực thông tin nhằm thực hiện mục tiêu có 0,8 bản sách/người dân theo mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Duy trì, phát huy môi trường đọc sách từ thư viện trường học cũng như vận động nhân dân hình thành tủ sách gia đình để trẻ sớm tiếp cận với văn hóa đọc.

Xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh phục vụ học sinh trên địa bàn huyện Phú Riềng - Ảnh chụp năm 2019

Ngoài ra, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng hoạt động thư viện, đa dạng hóa loại hình và hình thức phục vụ nhằm phát huy giá trị của không gian thư viện và tăng cường phục vụ lưu động để đưa văn hóa đọc đến vùng khó khăn, góp phần hình thành và phát triển văn hóa đọc cho trẻ em vùng nông thôn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phương Dung (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/chu-trong-phat-trien-van-hoa-doc-trong-gia-dinh-nha-truong-53210