Chú trọng phòng cháy, chữa cháy ở các khu công nghiệp

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, thu hút gần 90.000 lao động. 9 tháng năm 2020, tuy không xảy ra vụ cháy tại các KCN nhưng nguy cơ cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn, đòi hỏi mỗi công ty, doanh nghiệp trong các KCN cũng như chính quyền và lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải chú trọng phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời.

Sơ sẩy là... cháy

Tại các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong các KCN luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao bởi tập trung nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu dễ cháy như: Vải, nhựa, cao su, giấy, gỗ, xốp... Hơn nữa, khi xảy ra cháy thường gây hậu quả lớn vì đặc thù nhà xưởng liền kề, rất dễ cháy lan. Vì vậy, chỉ cần sơ sẩy, mất cảnh giác trong công tác PCCC là có thể gây hậu quả khôn lường.

Nhiều người vẫn còn nhớ vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty TNHH Vina Korea thuộc KCN Khai Quang, TP Vĩnh Yên vào rạng sáng 25-3-2018. Đám cháy bắt nguồn từ kho chứa vải, nhanh chóng lan sang hai xưởng sản xuất bên cạnh với tổng diện tích khoảng 10.000m2. Mặc dù lực lượng cảnh sát PCCC đã huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 21 xe chữa cháy nhanh chóng đến hiện trường tích cực chữa cháy, nhưng thiệt hại vẫn hết sức nặng nề, lên tới hàng trăm tỷ đồng, đồng thời làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Tiếp đó, chiều 13-7-2019 lại xảy ra vụ cháy lớn tại Công ty TNHH Dongyang Electronics Việt Nam trong KCN Bá Thiện, huyện Bình Xuyên. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy đã thiêu rụi hơn 2.000m2 nhà xưởng...

 Lực lượng chức năng chữa cháy tại Công ty TNHH Vina Korea (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) ngày 25-3-2018.

Lực lượng chức năng chữa cháy tại Công ty TNHH Vina Korea (Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc) ngày 25-3-2018.

Theo thống kê của Công an tỉnh Vĩnh Phúc, trong hai năm 2018 và 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy tại các KCN, thiệt hại về tài sản hơn 200 tỷ đồng. Cháy, nổ tại các KCN không những gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người lao động mà còn tác động xấu đến môi trường đầu tư, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, việc PCCC nói chung, PCCC tại các KCN nói riêng cần phải được đặc biệt coi trọng.

Chủ động phòng cháy, chữa cháy

Khảo sát thực tế tại một số KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện... chúng tôi thấy nhìn chung, công tác PCCC đều được các công ty, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện tốt. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong các KCN đều thành lập ban chỉ đạo, bộ phận phụ trách PCCC, tổ chức tuyên truyền tới người lao động về vai trò, tầm quan trọng cũng như biện pháp PCCC, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC... Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như tình trạng nhà xưởng được xây dựng để cho thuê nên khi khai thác sử dụng, hệ thống PCCC không phù hợp với công năng hiện tại; bố trí hệ thống nhà xưởng chưa hợp lý, dễ cháy lan và khó khăn trong việc cơ động cứu hỏa; ý thức PCCC của một bộ phận người lao động chưa cao...

Theo Thượng tá Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn-cứu hộ, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên nhân chủ yếu gây ra cháy, nổ là do chủ cơ sở không chấp hành hoặc chấp hành chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, còn chủ quan, mất cảnh giác trong công tác PCCC... Để hạn chế cháy, nổ, những năm qua, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn-cứu hộ đã làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp trên, với cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của pháp luật về PCCC; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, hướng dẫn, thẩm định và phê duyệt thiết kế PCCC tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý PCCC đối với các cơ sở, doanh nghiệp ở khu, cụm công nghiệp. Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn-cứu hộ cũng đã chủ động rà soát, nắm chắc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về cháy, nổ, nhất là các doanh nghiệp dệt may để tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, khắc phục những hạn chế, bảo đảm an toàn cháy, nổ.

Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ tại các KCN, ngoài sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thì một yếu tố rất quan trọng là các KCN cần phải luôn đặt công tác PCCC lên hàng đầu. Mỗi công ty, doanh nghiệp cần chủ động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất PCCC đầy đủ, hoạt động hiệu quả, thường xuyên nâng cao cảnh giác, huấn luyện, xây dựng các phương án PCCC, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống xảy ra.

Bài và ảnh: PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/chu-trong-phong-chay-chua-chay-o-cac-khu-cong-nghiep-641917