Chú trọng phòng, chống dịch bệnh trên tôm

Thời tiết đang bước vào giai đoạn giao mùa, diễn biến khá bất thường. Đây là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây hại. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 2.190ha tôm nước lợ, đạt 32,4% so kế hoạch và bằng 100,1% so cùng kỳ. Trong đó, đã thu hoạch 1.570ha, năng suất bình quân 3,1 tấn/ha, sản lượng 4.830 tấn, đạt 24,7% so kế hoạch và bằng 104,6% so cùng kỳ. Đến nay, tổng diện tích thiệt hại trên tôm là 54,47ha (tôm sú 6,62ha; tôm thẻ 47,85ha), bằng 2,5% so với diện tích thả nuôi. Nguyên nhân là nghi sốc môi trường (50ha); bệnh đốm trắng (3,02ha); hoại tử gan, tụy cấp tính (1,45ha). Thiệt hại mất trắng 4,47ha và thiệt hại có thu hoạch 50ha. Thiệt hại xảy ra ở huyện Cần Đước 25ha, Cần Giuộc 1,4ha và huyện Châu Thành 28,07ha.

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Bùi Tùng

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại. Ảnh: Bùi Tùng

Theo đánh giá của ngành chức năng, do thời tiết thay đổi bất thường, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm quá rộng khiến các chỉ số môi trường biến động, làm tôm chậm lớn, kém phát triển, sức đề kháng yếu; môi trường suy giảm tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: Ngay khi nắm thông tin tôm nuôi của người dân trên địa bàn huyện bị mắc bệnh, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện khẩn trương lấy mẫu, kịp thời khoanh vùng xử lý dịch bệnh. Đến nay, dù cơ bản khống chế được dịch nhưng cán bộ chuyên môn vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình để kịp thời hỗ trợ người dân.

Anh Võ Hoài Ân (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết: “Tôm rất nhạy cảm với nhiệt độ nên dễ bị “sốc” môi trường khi biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao. Do đó, để hạn chế việc tôm bị “sốc”, tôi đã đầu tư lót bạt ở nền và xử lý nguồn nước trước khi bổ sung vào ao nuôi”.

Để người nuôi tôm kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương hướng dẫn người nuôi tôm thực hiện một số biện pháp như theo dõi diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra môi trường ao nuôi để điều chỉnh kịp thời. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, cần chủ động xử lý nguồn nước, bổ sung nước vào ao nuôi khi cần thiết, khắc phục hiện tượng phân tầng nước do mưa lớn.

Ngoài ra, người nuôi tôm nên sử dụng men tiêu hóa, bổ sung vitamin và khoáng chất trộn vào thức ăn nhằm tăng đề kháng cho tôm. Theo dự báo của ngành chức năng, thời gian tới, tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến thất thường, người nuôi tôm nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của tôm, nếu thấy dấu hiệu bất thường, nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan chức năng, địa phương và lực lượng thú y cơ sở sớm khoanh vùng, xử lý, tránh lây nhiễm trên diện rộng./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chu-trong-phong-chong-dich-benh-tren-tom-a153947.html