Kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai
Đợt mưa bão xuất hiện vừa qua trên địa bàn huyện Bù Gia Mập đã gây thiệt hại lớn cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, địa phương đang tập trung mọi giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại khu vực thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa nhiều diện tích cây cao su, điều, hồ tiêu và sầu riêng bị gãy đổ gây thiệt hại không ít cho người dân. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Bù Gia Mập thì rất may mưa bão không gây thiệt hại về người.
Có vườn điều 5 ha bị gãy đổ hơn một nửa diện tích, anh Doãn Văn Tâm không khỏi xót xa: “Vườn điều hơn 20 năm tuổi của gia đình bị thiệt hại nặng nề, tôi cảm thấy xót lắm. Mong các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp chúng tôi được tiếp cận vay vốn ưu đãi để cải tạo vườn, phát triển kinh tế”.
Theo thống kê, có hơn 150 ha cây trồng các loại bị gãy đổ, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa Trần Đại Lợi cho biết: “Qua thống kê có khoảng 30 ha cây cao su đang cho khai thác bị gãy đổ, trong đó có 10 ha thiệt hại nặng từ 30% trở lên. 120 ha điều bị thiệt hại, trong đó 50 ha bị gãy đổ hơn 30%. Đối với cây hồ tiêu và sầu riêng khoảng gần 3 ha. Địa phương đã rà soát cụ thể từng diện tích bị thiệt hại làm cơ sở đề xuất, kiến nghị UBND huyện kịp thời hỗ trợ người dân”.
Theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp vùng bị thiên tai, dịch bệnh thì mức hỗ trợ đối với 1 ha bị thiệt hại từ 30% trở lên tối đa 4 triệu đồng. Bên cạnh đó, người dân sản xuất nông nghiệp có thể tham gia bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp tại cơ sở thông qua ban điều hành thôn, ấp và sẽ được hỗ trợ nếu bị thiên tai tác động.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng thôn Hai Căn Hoàng Thanh Thao cho biết: “Thôn có 407 hộ dân đều canh tác nông nghiệp. Qua tuyên truyền về chính sách tham gia bảo hiểm nông, lâm, ngư nghiệp theo chủ trương của Nhà nước thì hộ dân sẽ được hỗ trợ 65% khi mua; hộ đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hỗ trợ 85% giá trị mỗi ha canh tác cây trồng. Tuy nhiên, hiện toàn thôn có hơn 300 hộ dân tham gia và phần lớn không thuộc diện tích bị thiệt hại do mưa lớn kèm gió lốc vừa qua. Các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai mong các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ để khôi phục sản xuất”.
Trước mùa mưa bão, chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ vườn cây, hoa màu. Tuy nhiên, do thời tiết cực đoan, một số nơi trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn, gió lốc làm gãy đổ các loại cây trồng và người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai mong muốn sớm có chính sách hỗ trợ, giúp khôi phục sản xuất.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh khuyến cáo người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo về mưa lớn, dông lốc; thông tin kịp thời đến ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, người dân để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người và tài sản. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó, khắc phục kịp thời khi xảy ra thiên tai và nhanh chóng thực hiện thủ tục để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa mưa, bão năm 2024 dự báo còn diễn biến phức tạp, để phòng tránh, ứng phó hiệu quả trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do dông, lốc xoáy, sét và mưa đá gây ra; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện. Quán triệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu: Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/327/159680/kip-thoi-khac-phuc-hau-qua-thien-tai