Chú trọng phòng ngừa để thuận lợi khi giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư

Ngày 4-7-2019, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, do đó nhu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục cần nhiều nguồn lực trong thời gian tới và mô hình hợp tác công tư được đánh giá là nguồn thu hút vốn đầu tư từ xã hội vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo bà Vũ Quỳnh Lê - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và đầu tư, dự thảo Luật đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và đầu tư để lấy ý kiến góp ý.

Trong đó, đáng chú ý, về quy mô dự án áp dụng PPP, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định một hạn mức được đầu tư PPP. Tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên, với hạn mức để đầu tư PPP ở mức 200 tỷ đồng.

Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư. Ảnh: Phương Thảo

Hội thảo Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp hợp đồng đối tác công tư. Ảnh: Phương Thảo

Nói về bản chất mối quan hệ công – tư trong mô hình hợp tác công tư, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, GĐ Chương trình thạc sỹ Quản lý công, ĐH Fulbright Việt Nam nhận định, các dự án PPP thường có vòng đời dài nên sẽ kéo theo rất nhiều rủi ro.

Đó là rủi ro khi pháp luật thay đổi, rủi ro về tài chính, rủi ro về thuế, quản lý… “Những rủi ro này sẽ kéo theo hệ quả là làm tăng chi phí của DN trong quá trình thực hiện dự án. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các bên tham gia dự án mà còn có thể dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài, thậm chí phải dừng dự án”, ông Nghĩa nói.

Để hạn chế rủi ro này, ông Nghĩa đưa ra 2 giải pháp cơ bản. Đó là quá trình soạn thảo và thiết kế hợp đồng phải tính được cả những rủi ro cho hiện tại và tương lai, như sự thay đổi của pháp luật và tỷ giá. Đồng thời, thiết kế được những chế tài phù hợp như các tình huống miễn trách nhiệm, tạm dừng thực hiện nghĩa vụ, yêu cầu bồi thường thiệt hại và thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cho rằng, cần lựa chọn các hình thức trợ giúp pháp lý như thuê luật sư, sử dụng biện pháp hòa giải thương mại trong trường hợp có tranh chấp.

PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cũng cho rằng, vai trò của Nhà nước là điều tiết, nhưng khi kêu gọi đầu tư và Nhà nước là một bên tham gia hợp đồng, thì Nhà nước cũng phải tuân thủ hợp đồng và khi xung đột, nhà đầu tư cứ căn cứ vào hợp đồng. Chiến lược quản trị rủi ro được PGS Nghĩa đưa ra là từ phía cơ quan nhà nước phải hạn chế thay đổi, còn từ phía DN phải tham gia xây dựng chính sách.

Thảo luận tại hội thảo, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, trong 20 năm qua, lĩnh vực giao thông vận tải đã thực hiện 60 dự án PPP, hầu hết các dự án thuộc lĩnh vực đường bộ với đa phần là các dự án theo hình thức BOT, có một số Hợp đồng BT. “Đã có một số dự án đã hoàn thành và không thu phí nữa, một số dự án bị sụt giảm doanh thu, còn lại đa phần là các dự án đang ở giai đoạn thu hồi vốn”, ông Huy thông tin.

Để phòng ngừa tranh chấp thì ngay từ giai đoạn đàm phán, phải dựa trên nguyên tắc cả hai bên đều có lợi là quan điểm của bà Đoàn Thanh Huyền, Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp. Còn trong giai đoạn thực hiện thì phải thực hiện đúng các cam kết trong hợp đồng. Tuy vậy, theo bà Huyền, hợp đồng PPP vì thực hiện trong thời gian dài nên có những thay đổi về hoàn cảnh không thể kiểm soát được.

Ông Đỗ Trọng Hải, GĐ Cty luật Bizlink cho rằng, việc phòng ngừa tranh chấp là yêu cầu vô cùng quan trọng. Khi tranh chấp xảy ra, các bên nên lựa chọn các hình thức thương lượng, hòa giải thương mại, tòa án Việt Nam. Từ kinh nghiệm cá nhân, ông Hải cho rằng thương lượng là phương án được được ưa chuộng nhất. Còn ông Phan Trọng Đạt, Phó tổng thư ký, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhìn nhận, thông qua trọng tài thương mại là phương án hiệu quả để giải quyết tranh chấp.

Ông Hong-sik Chung, giáo sư Luật, trường ĐH Chung-Ang, Hàn Quốc cho rằng, điều quan trọng nhất mà nhà đầu tư PPP quan tâm ở thời điểm hiện tại là những thay đổi trong Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Việt Nam. Sự thay đổi trong Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) lần này chính là chìa khóa để thu hút sự đầu tư của DN vào trong lĩnh vực PPP.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chu-trong-phong-ngua-de-thuan-loi-khi-giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-doi-tac-cong-tu-154454.html