Chú trọng tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài

Chương trình hành động số 63-CTr/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị nhằm hiện thực hóa Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, đề ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2023- 2025, số lao động của tỉnh được tạo việc làm mới bình quân hằng năm là 12.000 người, trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài 1.200 người. Để đạt mục tiêu này, vấn đề đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được các cấp, ngành, đơn vị quan tâm.

Cùng với việc học tiếng nước ngoài, các học viên được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạokỹ năng nghề -Ảnh: TÚ LINH

Cùng với việc học tiếng nước ngoài, các học viên được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạokỹ năng nghề -Ảnh: TÚ LINH

Bà Nguyễn Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các nước có nhu cầu tiếp nhận lao động rất lớn. Đây là cơ hội để trung tâm nâng cao hiệu quả đào tạo để đưa người lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tạo thu nhập cao, ổn định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh.

Từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm đã đào tạo được 350 học viên để cung ứng nguồn đi lao động nước ngoài. Thời gian mỗi khóa đào tạo khoảng 4 tháng, học viên được học tiếng nước ngoài và kỹ năng nghề. Cũng thời gian trên, tại trung tâm đã có 290 người được xuất cảnh đi lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trên địa bàn tỉnh còn hơn 1.000 lao động đã được trung tâm đào tạo, hiện đang chờ các doanh nghiệp phỏng vấn, hợp đồng đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2023, trung tâm sẽ đào tạo đáp ứng 100% nguồn lực lao động đi làm việc nước ngoài mà tỉnh đề ra.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hà, phần lớn lao động người Quảng Trị đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có đức tính cần cù, tay nghề khéo léo, luôn chấp hành tốt nội quy của doanh nghiệp quản lý và pháp luật của nước sở tại nên được bạn quý trọng. Nhiều lao động khi hết hạn làm việc, về nước lại tiếp tục nhận được thư mời trở lại làm việc. Vì thế, các lao động có thu nhập ổn định, nhiều người dành dụm được khoản tiền lớn. Kết thúc hợp đồng làm việc ở nước ngoài, người lao động về nước mở ngành nghề phù hợp để làm việc và tiếp tục phát huy tay nghề.

Anh Nguyễn Ngọc Tài, (sinh năm 1992) ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi hết hợp đồng lao động 5 năm trong lĩnh vực công nghiệp ở Hàn Quốc, anh tiếp tục được doanh nghiệp mời ở lại làm việc đợt thứ 2. Hiện anh Tài đang có năm thứ 6 lao động ở Hàn Quốc với thu nhập trung bình 70 triệu đồng/tháng. Trên địa bàn các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ có rất nhiều người do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đào tạo rồi đưa đi lao động nước ngoài theo hợp đồng thành công như anh Tài.

Hằng ngày, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh có nhiều người đến đăng ký học để đi xuất khẩu lao động. Cách đây gần hai năm, vợ chồng anh chị Hồ Văn Dinh và Hồ Thị Bui ở xã A Bung, huyện Đakrông đến học khóa đào tạo đi làm việc ở nước ngoài. Miệt mài học tiếng và học kỹ năng nghề, sau đó anh chị được một doanh nghiệp tuyển dụng lao động đưa đi làm việc ở Hàn Quốc.

Một năm qua, mỗi tháng anh chị đều có thu nhập ổn định mỗi người 35 triệu đồng. Câu chuyện học tiếng và học kỹ năng nghề để đi lao động ở nước ngoài của vợ chồng anh chị Hồ Văn Dinh và Hồ Thị Bui trở thành tấm gương vượt khó, có thu nhập cao cho nhiều lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đakrông.

Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Lao động-Việc làm, Sở LĐ,TB&XH cho biết, công tác tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài là nội dung quan trọng, ý nghĩa, phù hợp với thực tiễn vì đào tạo ra nguồn lực bài bản, có trình độ, kỹ năng tay nghề tốt, không chỉ phù hợp với nhiều nước, mà còn tiệm cận được với thị trường lao động quốc tế với các nước đòi hỏi chất lượng cao.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác đào tạo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; đồng thời giúp cho người lao động tiếp thu được những tiến bộ khoa học, công nghệ ở các nước phát triển, trở về ứng dụng hiệu quả tại địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Việc làm này nhằm hiện thực hóa Chương trình hành động số 63-CTr/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Theo bà Nguyễn Thị Ái Loan, chú trọng tạo nguồn lao động cung ứng cho thị trường ngoài nước đã và đang trở thành vấn đề ưu tiên cần giải quyết nhằm mở thêm điều kiện để người lao động có cơ hội tìm được việc làm ở nước ngoài. Để công tác này ngày càng tốt hơn, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề theo hướng tập trung đào tạo giáo viên các ngành nghề mà thị trường lao động quốc tế đang có nhu cầu lớn.

Sở sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện hỗ trợ các cơ sở đào tạo phát huy hiệu quả, cung ứng đủ nguồn lao động, nhằm đưa cơ hội việc làm với mức lương tốt đến với nhiều học viên hơn nữa. Mặt khác, các học viên cũng cần nhìn nhận rõ cơ hội cọ xát nghề nghiệp khi được làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước sẽ tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức và tác phong làm việc chuyên nghiệp để có thể tự tin và thành công ở bất cứ thị trường lao động nào.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/chu-trong-tao-nguon-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai/177898.htm