Chú trọng ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao
Chiều ngày 11/3/2024, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm và làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương; Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ KH&CN, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM - CÁI NÔI CỦA NỀN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NƯỚC NHÀ
Báo cáo về kết quả hoạt động của Viện, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh nêu rõ: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật. Viện Hàn lâm có 8 nhóm nhiệm vụ cụ thể được quy định tại Nghị định số 106/2022/NĐ-CP ngày 24/12/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Về cơ cấu tổ chức, Viện gồm 38 đơn vị trực thuộc (giảm 4 đơn vị so với giai đoạn trước), trong đó có 26 tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 7 đơn vị sự nghiệp công lập khác và 5 đơn vị chuyên môn giúp việc Chủ tịch Viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Trong những năm qua, Viện luôn xác định nghiên cứu cơ bản là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu để xây dựng nền tảng, cơ sở khoa học cho các định hướng phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, duy trì và nâng cao trình độ cán bộ nhằm đáp ứng và giải quyết được các đòi hỏi phức tạp và đột xuất của thực tiễn phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Nghiên cứu cơ bản của Viện đã có bước phát triển mạnh mẽ, tập trung vào các vấn đề khoa học, những ngành khoa học công nghệ mới, tạo lập năng lực nghiên cứu khoa học đạt trình độ nghiên cứu của thế giới và khu vực trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành sâu như Toán học, Vật lý, Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất,…
Viện tiếp tục triển khai Chương trình phát triển vật lý đến năm 2025, Chương trình Toán học, Chương trình phát triển nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025, Chương trình chuyển đổi số và Chương trình Công nghệ 4.0 cũng như mở mới Chương trình Tăng trưởng xanh, Chương trình nghiên cứu cơ bản.
Trong 10 năm gần đây, Viện Hàn lâm KH&CN luôn là đơn vị dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, số lượng các công trình công bố quốc tế của Viện tăng đều trung bình hàng năm với tỷ lệ cao, từ 15 - 25%/ năm (năm 2016 công bố 742 bài đến năm 2022 là 1629 bài). Năm 2022, trong số 1629 công trình trên tạp chí quốc tế của Viện Hàn lâm, có 1.294 công trình được công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao (các công trình thuộc danh mục Q1, Q2 theo SCImago, hoặc có chỉ số IF ≥ 1 theo Web of Science, Citescore ≥ 2 theo Scopus). Đặc biệt, trong tổng số các công trình quốc tế, số công bố có chỉ số IF ≥ 3 chiếm 37%, và số công bố đăng trên tạp chí đạt chuẩn Q1 của Scimago chiếm 35,8%.
Theo kết quả xếp hạng số lượng công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học, các tổ chức nghiên cứu, các quốc gia và khu vực của Nature Index, 5 năm liên tục Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giữ vị trí thứ nhất về số lượng công bố quốc tế trên cả nước .
Viện Hàn lâm KH&CN đang quản lý 12 tạp chí chuyên ngành quốc gia. Sau gần 5 năm tập trung nâng cao chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và xuất bản bằng tiếng Anh, đến nay 6/12 tạp chí đã nằm trong danh mục quốc tế Web of Sciences và Scopus (trong đó có 2 tạp chí thuộc danh mục SCIE), 7 tạp chí đạt tiêu chuẩn khu vực ACI. Bên cạnh việc công bố các kết quả khoa học, trong giai đoạn 6/2020 - nay, các nhà khoa học của Viện đã phát hiện mới 188 loài động vật, thực vật và xuất bản được 178 sách chuyên khảo.
Để khuyến khích các công trình công bố có chất lượng cao, năm 2022, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam lần đầu tiên tiến hành đánh giá, lựa chọn các công trình công bố xuất sắc trong năm cho các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau do các nhà khoa học tại Viện thực hiện. Trong lần đầu tiên thực hiện, có 5 công trình công bố xuất sắc đã được lựa chọn theo các lĩnh vực Toán học – Công nghệ thông tin, Cơ học - Vật lý – Công nghệ Vũ trụ, Khoa học vật liệu, Khoa học Biển, Môi trường - Năng lượng.
Thông qua việc triển khai các loại hình đề tài, nhiệm vụ KHCN khác nhau tại các đơn vị trực thuộc, Viện Hàn lâm đã làm chủ trên 15 công nghệ lõi và công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực KHCN khác nhau như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng, môi trường,... Có thể kể đến một số công nghệ như Công nghệ chỉnh sửa gen các đối tượng thực vật; Công nghệ sản xuất vaccine tái tổ hợp trên thực vật; Công nghệ tạo tế bào gốc phục vụ điều trị cho người, Công nghệ giải trình tự và phân tích gen động vật, thực vật và người, Công nghệ chế tạo các loại vật liệu compozit tính năng cao, vật liệu từ cứng, vật liệu chống cháy...Các công nghệ này đã từng bước được đưa vào ứng dụng trong nhiều mặt của đời sống cũng như trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Năm 2017, theo Thỏa thuận được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO, Viện Hàn lâm đã thành lập 2 Trung tâm quốc tế dạng II về Toán học và Vật lý dưới sự bảo trợ của UNESCO, thể hiện sự ghi nhận của thế giới đối với hai lĩnh vực toán học và vật lý của Việt Nam, góp phần tăng cường vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
Hiện Viện có đối tác chiến lược là liên minh 42 cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nghiên cứu của các nước phát triển, thu hút nhiều sinh viên, học viên Việt Nam và các nước trên thế giới đến nghiên cứu và đào tạo. Viện cũng đã ký hợp tác với hơn 40 bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để ứng dụng ngay các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đã đánh giá, phân tích về quá trình quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là những sáng tạo, đổi mới của Viện trong thực hiện công tác này; những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong thực hiện các nhiệm vụ về KH&CN; đưa ra một số kiến nghị, đề xuất từ thực tiễn hoạt động của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để góp ý cho Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác nghiên cứu KH&CN trong tình hình mới; thảo luận về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong Đảng bộ của Viện; việc phối hợp giữa Viện Hàn lâm và Ban Tuyên giáo Trung ương…
Tính đến 31/12/2023, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có 3.269 cán bộ, viên chức và người làm việc (gồm 2108 biên chế, 1161 hợp đồng), trong đó có 225 Giáo sư, Phó giáo sư (gồm 57 Giáo sư; 168 Phó Giáo sư); 913 Tiến sĩ khoa học và Tiến sĩ; 800 thạc sĩ; 203 Nghiên cứu viên cao cấp và tương đương; 698 Nghiên cứu viên chính và tương đương tại các đơn vị trực thuộc.
KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CÓ VAI TRÒ ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: KH&CN có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển KH&CN. Ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội phổ biến Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của Nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển KH&CN trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa xác định: “Cùng với giáo dục - đào tạo, KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Có chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận có liên quan đến phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Đó là: Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 7/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 45, ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới; Kết luận số 69-KL/TW, ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Trải qua chặng đường gần 50 năm xây dựng và phát triển, với những thành tựu vẻ vang, rất đáng tự hào, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam luôn là cánh chim đầu đàn, giữ vị thế dẫn dắt trong công tác nghiên cứu, nhất là nghiên cứu cơ bản, chuyển giao, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học được cả Việt Nam và thế giới ngưỡng mộ như: Cố giáo sư, Viện sỹ Trần Đại Nghĩa; Cố giáo sư Lê Văn Thiêm; Cố giáo sư, viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu; Cố giáo sư Hoàng Tụy.
Với những thời cơ và thách thức của thời kỳ mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu trong thời gian tới, cần tập trung hiện thực hóa mục tiêu phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết của Đảng và Chiến lược của Chính phủ đã đề ra.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Viện tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII về lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chú trọng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn. Nâng cao chất lượng sản phẩm các nhiệm vụ KH, CN, các công trình công bố quốc tế.
Đặc biệt quan tâm đầu tư, ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Thực hiện tốt Chương trình thu hút nhà khoa học trẻ trình độ cao, đồng thời phát huy sự cống hiến, trí tuệ của các nhà khoa học đầu ngành đang công tác tại Viện. Tạo cơ chế, điều kiện để các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, viên chức của Viện toàn tâm, toàn ý cống hiến, sáng tạo không ngừng.
Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tranh thủ các nguồn lực bên trong và bên ngoài, nhất là nguồn lực quốc tế cho phát triển khoa học, công nghệ của Việt Nam. Chú trọng tiếp nhận và làm chủ các công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mũi nhọn, góp phần nâng cao tiềm lực, năng lực tự chủ của quốc gia.
Coi trọng công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII. Đề cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu, nêu gương của Lãnh đạo Viện, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, nhất là trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao đạo đức trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát huy tinh thần, trách nhiệm cống hiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường phối hợp giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ với các cơ quan, ban, ngành, hội liên ngành nhằm nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, tham mưu, hiến kế cho Đảng, Nhà nước về KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Nhân dịp này đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã đi thăm Trường Đại học KH&CN Hà Nội; Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam./.
Tin, ảnh: DUY PHONG