Chú trọng việc cấp nước PCCC tại khu công nghiệp

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản thời gian qua là nguồn nước không bảo đảm, không đáp ứng kịp thời trong quá trình chữa cháy. Để khống chế một vụ cháy, lực lượng có thể sử dụng các chất khác nhau, trong đó nước là chất chữa cháy phổ biến và hiệu quả. Để xây dựng hệ thống cấp nước bảo đảm phục vụ công tác PCCC, đặc biệt tại các khu công nghiệp (KCN) trong thời gian tới, ngành chức năng Bình Dương đã tăng cường các giải pháp cụ thể.

Đội PCCC chuyên ngành tại KCN VSIP 1 thực tập phương án chữa cháy

Chú trọng hệ thống cấp nước chữa cháy tại các đô thị, KCN

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 27 KCN và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 27 KCN đã xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy, đạt tỷ lệ 100%. Tại các KCN, cụm công nghiệp, cơ sở, hầu hết đã có bể nước chữa cháy riêng (từ 50m3 trở lên) cho từng công trình độc lập. Cũng theo ghi nhận, hiện nay số khu đô thị của tỉnh Bình Dương đã được xây dựng hệ thống cấp nước chữa cháy tại 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đạt tỷ lệ 100%.

Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tổng số trụ cứu hỏa là 2.315 trụ được phân bổ trên các tuyến ống phân phối. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có thêm 1.197 trụ, tình trạng hoạt động tốt, đủ khả năng cấp nước cho xe chữa cháy. Tổng số điểm lấy nước tập trung là 7 nhà máy xử lý nước được phân bố trên khắp địa bàn tỉnh. Mạng lưới cấp nước và trụ chữa cháy được bảo vệ, quản lý, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, bảo đảm giải quyết nguồn nước PCCC đô thị, KCN.

Nhằm bảo đảm chủ động khi xảy ra tình huống đột xuất, công tác kiểm tra, đôn đốc và xử lý đối với những vấn đề liên quan đến công tác giải quyết nguồn nước PCCC đô thị, KCN được thực hiện thường xuyên và đạt kết quả tốt. Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an (CA) tỉnh, việc chấp hành các quy định, yêu cầu trong công tác đầu tư, lập dự án, thiết kế, thi công, kiểm định, nghiệm thu hệ thống cấp nước chữa cháy đô thị thời gian qua thực hiện tốt. Nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống cấp nước PCCC của UBND tỉnh, chủ đầu tư, chủ công trình, đơn vị cấp thoát nước, đơn vị đầu tư cơ sở hạ tầng đều thực hiện đầy đủ, có dự toán kinh phí hàng năm. Khi lập quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành cấp nước đô thị, KCN... đều có quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC và có dự toán kinh phí.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, sử dụng, vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC đô thị, KCN cũng được bảo đảm. Theo đó, việc tổ chức quản lý, vận hành, bảo dưỡng và bảo vệ hệ thống cấp nước PCCC đô thị trong thời gian qua có ưu điểm là được vận hành đồng bộ với hệ thống cấp nước đô thị. Tỉnh Bình Dương giao duy nhất một đơn vị là Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống cấp nước PCCC, do đó luôn bảo đảm cấp nước thường xuyên cho hệ thống cấp nước PCCC đô thị, KCN.

Nhiều giải pháp cụ thể

Ngày 12-7 vừa qua, đoàn công tác của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ CA) đã có chuyến kiểm tra đánh giá thực trạng tổ chức thực hiện công tác cấp nước PCCC tại Bình Dương. Đây là chương trình được thực hiện theo thông tư liên tịch giữa Bộ Xây dựng và Bộ CA về việc hướng dẫn thực hiện việc cấp nước PCCC tại đô thị và KCN, qua đó đánh giá đúng thực trạng công tác cấp nước PCCC tại 5 địa phương gồm Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định và Bình Dương.

Tại Bình Dương, đoàn đã kiểm tra công tác chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quy định tại thông tư liên tịch; kết quả đầu tư, giải quyết hệ thống cấp nước PCCC đô thị, KCN. Cùng ngày, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế tình hình tổ chức cấp nước PCCC tại các KCN gồm VSIP I (TP.Thuận An), Sóng Thần II (TP.Dĩ An),… đồng thời đánh giá những khó khăn, bất cập và nguyên nhân của những khó khăn, bất cập khi thực hiện công tác cấp nước PCCC, từ đó đưa ra giải pháp và kiến nghị trong thời gian tới.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy công tác quản lý, vận hành, sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng hệ thống cấp nước PCCC ở một số địa phương, KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn nhiều hạn chế. Hệ thống cấp nước PCCC nhiều nơi đã xuống cấp, nhiều trụ không có nước hoặc có nhưng áp lực, lưu lượng nước không bảo đảm; nhiều trụ bị hư hỏng do mất nắp, hỏng van khóa, đầu nối… nhưng không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Vẫn còn tình trạng hư hỏng các bộ phận của trụ nước chữa cháy. Việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng và khai thác sử dụng nguồn nước chữa cháy chưa thật sự được quan tâm thực hiện tốt…

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, thời gian qua, cơ chế phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát PCCC với cơ quan cấp nước đô thị trong việc cấp nước PCCC, thông báo tình hình, hiện trạng hệ thống cấp nước PCCC được thực hiện xuyên suốt, không bị gián đoạn. Khả năng đáp ứng của cơ quan cấp nước đô thị trong việc cấp nước PCCC và việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống cấp nước PCCC đô thị hiện nay luôn trong trạng thái sẵn sàng. Tuy nhiên, cần có quy chế phối hợp giữa các đơn vị cấp nước với cơ quan Cảnh sát PCCC để công tác PCCC được tốt hơn.

Qua thống kê có 1/27 KCN, 4/12 cụm công nghiệp chưa lắp đặt các trụ nước chữa cháy bảo đảm yêu cầu theo tiêu chuẩn hiện hành. Việc quy hoạch các nguồn nước tự nhiên phục vụ cho công tác PCCC chưa thật sự được quan tâm thực hiện, chưa có nhiều bến lấy nước chữa cháy được xây dựng. Để giải quyết những khó khăn, bất cập và thực hiện có hiệu quả việc cấp nước PCCC, góp phần kiềm chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, Bình Dương cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể.

TÂM TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chu-trong-viec-cap-nuoc-pccc-tai-khu-cong-nghiep-a275873.html