Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc', 'muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém'.
Nhận thức sâu sắc điều này, thời gian qua công tác cán bộ trên địa bàn tỉnh đã được Ban TVTU và cấp ủy các cấp chỉ đạo, thực hiện một cách toàn diện, cụ thể.
* Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Nói đến công tác cán bộ, trước tiên phải nhắc đến khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt, thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh có chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu. Cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đúng đối tượng, sát nhu cầu thực tiễn và tăng nhiều về số lượng. Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được đổi mới theo hướng chuẩn hóa tiêu chuẩn; gắn lý luận với thực tiễn. Nhiều cấp ủy, đơn vị đã có các hình thức hỗ trợ, tạo điều kiện để cán bộ hoàn chỉnh trình độ theo tiêu chuẩn chung và học nâng cao trình độ sau đại học.
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ, tới đây tỉnh sẽ xem xét, cán bộ nào không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao thì không cho tái cử. Cán bộ không làm được việc sẽ tìm người khác thay thế.
Kết quả từ năm 2015 đến nay, đã có hơn 21.800 lượt cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh. “Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Cán bộ sau khi được đào tạo đã có nhận thức chính trị vững vàng hơn, phát huy tốt kiến thức vào thực tiễn công tác, kỹ năng giao tiếp, xử lý công việc chuyên nghiệp hơn, từ đó hiệu quả công tác tại đơn vị được nâng lên rõ rệt, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ chung của tỉnh” - Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt nhấn mạnh.
Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, Ban TVTU rất quan tâm đến việc cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện và cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý các cấp. Đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết, mỗi năm Tỉnh ủy tổ chức 2-3 kỳ cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, với các nội dung học tập gắn liền với thực tiễn của Đồng Nai, đảm bảo vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề mới đặt ra, từ đó giúp cán bộ chủ chốt của tỉnh có tầm nhìn rộng hơn, vận dụng, tham mưu công tác ngày càng tốt hơn để việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên địa bàn tỉnh có hiệu quả hơn.
Cùng với việc đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở trường lớp, Ban TVTU và cấp ủy các cấp đã thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, coi đây cũng là một hình thức đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ có kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác, lãnh đạo của mình. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển hơn 130 cán bộ từ tỉnh về huyện, từ huyện về xã, từ xã về huyện và luân chuyển ngang giữa các xã, phường, thị trấn. Các huyện: Trảng Bom, Định Quán, Vĩnh Cửu và TP.Long Khánh là những nơi có nhiều cán bộ luân chuyển nhất. Cán bộ được luân chuyển là những người có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ và có trình độ chuyên môn, năng lực phù hợp với lĩnh vực, địa bàn đến công tác. Khi đến công tác tại nơi mới, phần lớn cán bộ được luân chuyển đều phát huy vai trò, trách nhiệm, sở trường công tác, tiến bộ trong nhận thức, phương pháp chỉ đạo, điều hành sâu sát và toàn diện hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
* Coi trọng đánh giá cán bộ
Đánh giá cán bộ là một khâu rất quan trọng. Đánh giá đúng và thực chất cán bộ sẽ góp phần phục vụ tốt công tác bố trí và sử dụng cán bộ. Để đánh giá đúng và thực chất cán bộ, từ năm 2015 đến nay, Quy chế đánh giá cán bộ của tỉnh được điều chỉnh, bổ sung 2 lần, gắn với quy chế nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quy trình đánh giá cán bộ được đổi mới, cụ thể hóa thành các bước thực hiện công khai, mở rộng dân chủ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong đánh giá cán bộ, gắn với phân tích chất lượng đảng viên hằng năm.
Các tiêu chí đánh giá được xây dựng cụ thể, mang tính định lượng cao, trong đó xác định tỷ lệ hoàn thành khối lượng, tiến độ công việc và hiệu quả công việc được giao và kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ là thước đo chính để đánh giá cán bộ.
Đối với các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, việc xếp loại cán bộ còn gắn với đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và vai trò trách nhiệm của cấp ủy viên theo quy chế làm việc. Từ năm 2015, khi đánh giá cán bộ hằng năm, mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý còn phải thực hiện việc tự chấm điểm theo Bộ tiêu chí đánh giá đối với các chức danh thuộc diện Ban TVTU quản lý.
Đánh giá đúng và thực chất cán bộ là cơ sở quan trọng để quy hoạch cán bộ. Đồng chí Phạm Văn Ru, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, quy trình tiến hành quy hoạch cán bộ thời gian qua trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ, đầy đủ, bám sát hướng dẫn của Trung ương. Đối tượng quy hoạch là những cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất, triển vọng phát triển, đáp ứng được tiêu chuẩn các chức danh. Số lượng đưa vào quy hoạch đảm bảo theo quy định. Đối với quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp ủy các cấp đều có số dư 1,5-2 lần so với cán bộ đương nhiệm. Đối với chức danh lãnh đạo, đảm bảo tối thiểu từ 2-3 cán bộ nguồn cho một chức danh. Các yêu cầu khác như: cơ cấu 3 độ tuổi, người dân tộc thiểu số, các ngành, các lĩnh vực, địa bàn... cũng được quan tâm thực hiện. Ngoài ra ở một số cơ quan, đơn vị như: Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư pháp còn quan tâm đến việc quy hoạch nguồn từ nơi khác để tạo sự phong phú nguồn cán bộ.
Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Trần Quang Toại cho rằng, để chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), vừa qua Ban TVTU đã tích cực thực hiện luân chuyển cán bộ, đây là điểm tích cực trong việc đổi mới công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh. Song sau khi bố trí cán bộ ở mỗi vị trí công tác khác nhau cần phải kiểm tra, giám sát xem cán bộ đó hoàn thành công việc ở mức nào. Nếu cán bộ có tư duy lý luận, thực tiễn công tác tốt, hoàn thành được nhiệm vụ thì lúc đó sẽ đánh giá được công tác quy hoạch là đúng. Công tác quy hoạch phải dân chủ, công khai. Đạo đức cán bộ phải được đặt lên hàng đầu.
“Vừa rồi có một số cán bộ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật, điều này cho thấy công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới phải tiếp tục thực hiện chặt chẽ việc đánh giá cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, trung thực, toàn diện và công tâm, lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chính để đánh giá cán bộ. Đồng thời thực hiện chặt chẽ quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch cán bộ và công tác cán bộ theo định kỳ”- ông Trần Quang Toại bày tỏ.
Quan tâm công tác quy hoạch cán bộ
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, đến nay tỉnh đã hoàn thành quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban TVTU và các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng thời đã phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020-2025 của 83/83 đơn vị, địa phương. Chất lượng cán bộ đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 so với nhiệm kỳ 2015-2020 nâng lên rõ rệt. Theo đó, cấp ủy cấp huyện có trình độ đại học trở lên đạt 100%; cấp xã đạt 81,94% (tăng 6,34% so với nhiệm kỳ trước). Cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ở từng cấp đã được chú trọng; trong đó tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) được quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh đạt 21,87% (tăng 0,39%); tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh đạt 25,78% (tăng 0,59%). Kết quả tuổi bình quân quy hoạch cấp ủy huyện cho nhiệm kỳ tới là 40,38 tuổi (giảm 2,67 tuổi so với nhiệm kỳ 2015-2020); cấp cơ sở là 34,30 tuổi (giảm 1,41 tuổi).