Chú trọng xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

Những năm qua, thành phố Phúc Yên luôn chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Nếp sống văn hóa được hình thành, ý thức trách nhiệm và sự tự giác của người dân trong các phong trào, hoạt động tại khu dân cư được nâng cao. Đây chính là điều kiện để địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt kết quả bền vững.

Người dân tổ dân phố 5, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên tích cực luyện tập thể dục-thể thao nâng cao sức khỏe

Người dân tổ dân phố 5, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên tích cực luyện tập thể dục-thể thao nâng cao sức khỏe

Để công tác xây dựng đời sống văn hóa lan tỏa, có chiều sâu, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Phúc Yên đã tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, tăng mật độ treo pano, áp phích, khẩu hiệu trên các tuyến đường chính, khu vực trung tâm và các khu vực đông dân cư, tạo không khí phấn khởi, thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Tiếp tục triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức thi đua; khen thưởng kịp thời, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến. Năm 2022, toàn thành phố có 95% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 97,8% thôn, tổ dân phố văn hóa; 89% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Toàn thành phố có 6 trung tâm văn hóa phường, xã và 88 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố, cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu hội họp và sinh hoạt văn hóa-văn nghệ (VHVN), thể dục-thể thao (TDTT) của nhân dân. Các hoạt động VHVN, TDTT phát triển rộng khắp. Năm 2022 có 15 câu lạc bộ VHVN, TDTT mới được thành lập tại các thôn, tổ dân phố.

Phong trào TDTT quần chúng cũng là một trong những điểm nhấn nổi bật trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở thành phố Phúc Yên hiện nay. Nhiều môn thể thao được quần chúng yêu thích và phát triển mạnh trong cộng đồng như bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, cầu lông, bóng bàn...

Số người tập luyện TDTT thường xuyên toàn thành phố đạt 40% dân số, số gia đình thể thao đạt 40%. Các xã, phường thường xuyên tổ chức các giải thi đấu nhân các ngày lễ lớn, kỷ niệm của đất nước, của các ngành, đơn vị, tạo bước đệm vững chắc thúc đẩy phong trào TDTT quần chúng phát triển bền vững.

Trong năm 2022, tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Đại hội TDTT cấp cơ sở vẫn được tổ chức linh hoạt với nhiều quy mô, hình thức khác nhau để đảm bảo thích ứng công tác phòng, chống dịch bệnh. Đại hội TDTT thành phố lần thứ V được thực hiện thành công với sự tham gia của 18 đoàn, 470 vận động viên thi đấu ở 9 môn thể thao, trao tặng 27 bộ huy chương.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội có bước chuyển biến rõ nét. Việc cưới theo nếp sống văn minh được tổ chức với tinh thần trang trọng, gọn nhẹ, không phô trương hình thức, giảm được các hiện tượng tiêu cực.

Việc tổ chức ăn uống trong thời gian tang lễ chỉ thực hiện trong phạm vi nội bộ gia đình, dòng họ, theo nghi thức truyền thống. Hiện nay, phần lớn đám tang trên địa bàn được các gia đình lựa chọn hình thức hỏa táng người mất.

Việc mừng thọ được các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức với hình thức trang trọng, ý nghĩa, tiết kiệm, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán tại trung tâm văn hóa xã hoặc nhà văn hóa khu dân cư...

Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Phúc Yên Nguyễn Thị Thúy Hà cho biết: "Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Khơi dậy sức sáng tạo, sự chủ động của nhân dân qua các hình thức sinh hoạt cộng đồng; tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền thành phố đầu tư hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa cơ sở; khai thác và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu thụ hưởng văn hóa của cộng đồng dân cư.

Bài, ảnh: Trường Khanh

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95650//chu-trong-xay-dung-doi-song-van-hoa-co-so