Chú trọng 'xây', quyết liệt 'chống'
Thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cuốn sách 'Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh' đã góp phần quan trọng làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó có mối quan hệ biện chứng giữa hai nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt: Xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện và chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả...
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong bài viết đầu tiên của cuốn sách, đánh giá lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam tròn một thập niên từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (năm 2013), sau khi nhận định nguy cơ tham nhũng, tiêu cực còn tiếp tục diễn biến tinh vi, phức tạp, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra năm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, trong đó, vị trí đứng đầu là: “Phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Qua đó có thể thấy mối quan hệ chặt chẽ, tác động quan trọng giữa công tác xây dựng Đảng và nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Xây” và “chống” là hai mặt trong quá trình vận động, phát triển của các sự vật, hiện tượng. “Xây” là quá trình củng cố, tăng cường, nâng cao tính ổn định, sự vững chắc, thúc đẩy sự phát triển. “Chống” là quá trình lọc bỏ những yếu tố lỗi thời, không tích cực, phá hoại sự ổn định, cản trở sự phát triển. Đây là quá trình diễn ra liên tục, trong mọi giai đoạn. Thực tiễn đã chứng minh, trong sự vận động của các sự vật, hiện tượng, cùng với những yếu tố mới, tiến bộ xuất hiện thì luôn tồn tại những yếu tố cũ, lỗi thời, lạc hậu, cản trở sự phát triển cần được loại bỏ. Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, do vậy, trong quá trình xây dựng hệ thống chính trị, yếu tố “xây” và “chống” phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để thiết thực góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường tính vững chắc, ổn định của hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân vào chế độ XHCN.
Nhiều năm nay, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”. Đồng thời nhấn mạnh: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”...
Trong những năm qua, đặc biệt là từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố, nâng cao, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ để “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Hiện nay, vấn đề có ý nghĩa quyết định tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của quần chúng; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân”; “Một vấn đề hết sức quan trọng là phải khẩn trương làm trong sạch đội ngũ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên. Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là vấn đề có ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng, tác động trực tiếp đến mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Quần chúng nhìn nhận, đánh giá Đảng nhiều khi thông qua phẩm chất, tư cách, lối sống của cán bộ, đảng viên. Nói quần chúng giảm sút lòng tin đối với Đảng không phải là giảm sút lòng tin đối với lý tưởng, sự nghiệp của Đảng, mà là đối với những cán bộ, đảng viên đã hư hỏng, sa đọa, đối với những tổ chức Đảng đã rệu rã, không còn sức chiến đấu”...
Như hai mặt của một vấn đề, công tác xây dựng Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được thực hiện song hành, thường xuyên, liên tục với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cùng với nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mở rộng tập hợp, đoàn kết nhân dân, thì chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả là cơ sở để xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Đây là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/chu-trong-xay-quyet-liet-chong/207349.htm