'Chú Tuấn'

Gương mặt đôn hậu, khi trò chuyện luôn nhẹ nhàng, từ tốn nhưng đã bắt đầu vào công việc thì lúc nào cũng nghiêm túc, sát sao, tỉ mỉ… Đó là những cảm nhận của tôi về Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn (Hoàng Tuấn), nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật, Phó chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội Trường Sơn).

Ngay từ lần đầu gặp mặt, ông đã nhắc tôi, không cần quá câu nệ lễ tiết quân đội đâu, cứ xưng hô chú cháu cho tiện nhé. Thế là từ ấy, tôi được đồng hành cùng “Chú Tuấn” trong những hành trình đầy ý nghĩa!

Đã qua 15 năm kể từ ngày đầu gặp, những cảm nhận về chú trong tôi vẫn chưa hề thay đổi. Không thể kể hết bao nhiêu sự kiện, chuyến đi nghĩa tình đồng đội tôi may mắn được tháp tùng chú và các cộng sự. Ở đó, tôi đã được chứng kiến, được nghe kể về kỷ niệm thời quân ngũ cùng những ân tình mà chú dành cho đồng đội và ngược lại.

Những cuộc thử lửa trên chiến trường

“Khi tôi vào Trường Sơn, tiếng tăm về anh Hoàng Anh Tuấn đã nổi lắm rồi. Một chàng trai quê ở thị xã Sơn Tây đẹp trai, mới 26 tuổi đã là Chính trị viên Tiểu đoàn ca nô 166 nổi tiếng, tham gia bảo đảm hậu cần trực tiếp cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị tháng 12-1972.

Mới 31 tuổi, anh đã là Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 515 chủ công của Trường Sơn… Anh là một người lính chiến và có năng lực thật sự. Thực tế chiến trường đã tôi luyện anh nhanh chóng trưởng thành dù tuổi đời rất trẻ” - cựu chiến binh Phạm Thành Long, nguyên Tổng biên tập Báo Thiếu niên tiền phong, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Trường Sơn tự hào giới thiệu về đồng đội.

Mùa xuân năm 1961, mới 17 tuổi, chàng trai quê hương xứ Đoài Sơn Tây chia tay gia đình lên đường nhập ngũ. Cuối năm ấy, anh cùng đơn vị hành quân vào Trường Sơn.

Sau thời gian nhận và đưa bộ đội, vật chất hậu cần từ trạm khách sân bay Đồng Hới vào làng Ho (Quảng Bình), đến mùa khô 1962-1963, thì chuyển sang làm nhiệm vụ trên hướng Đường 12 - Tây Trường Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn có 47 năm quân ngũ. Trừ 5 năm đầu làm chiến sĩ, còn lại ông là cán bộ chính trị từ cấp đại đội cho đến cấp chiến lược. Bom đạn ác liệt, đối mặt với biết bao thủ đoạn hiểm độc của kẻ thù, khó khăn thiếu thốn và vô vàn cạm bẫy từ đại ngàn Trường Sơn đã tạo nên một Hoàng Anh Tuấn có bản lĩnh kiên cường, một cán bộ chính trị giàu kinh nghiệm.

Chính ủy Trung đoàn 515 Hoàng Anh Tuấn (ngoài cùng, bên phải) và Chính ủy Sư đoàn 473 Nguyễn Sĩ Chía (ngoài cùng, bên trái) tháp tùng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đi kiểm tra chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Chính ủy Trung đoàn 515 Hoàng Anh Tuấn (ngoài cùng, bên phải) và Chính ủy Sư đoàn 473 Nguyễn Sĩ Chía (ngoài cùng, bên trái) tháp tùng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đi kiểm tra chiến trường. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Còn nhớ, từ ngày 15-1-1969, Bộ tư lệnh 559 phát động tổng công kích đợt 1, chỉ tiêu trong một tháng vận chuyển hậu cần phải đạt 1 vạn tấn. Bấy giờ, Hoàng Anh Tuấn đang là Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn Ô tô vận tải 52, Binh trạm 32 Trường Sơn.

Trong chuyến chỉ huy đại đội nhận hàng ở Khu C vào giao ở Lùm Bùm (khu vực nằm trên Đường 9), ông ngồi xe của lái chính Nông Văn Thất, đi cuối đội hình vận chuyển. Lượt đi vào, địch có đánh, nhưng cả đại đội an toàn giao hàng và quay ra ngay trong đêm. Khi quay về đến gần trọng điểm Ka Tốc thì địch bắn ném, bom từ trường rơi ngay lề đường.

Lúc này đã 3 giờ sáng, nếu quyết định cho bộ đội nằm lại gần trọng điểm vài giờ nữa thì khó lòng thoát khỏi con mắt cú vọ của đám OV10 trinh thám mỗi ngày. Vì vậy, ngay khi xe dừng, Hoàng Anh Tuấn liền trao đổi với lực lượng công binh trực chiến về con đường tránh thì được biết, đường này cũng bị vướng bom từ trường. Sau một hồi suy nghĩ, ông quyết định cùng lái xe Nông Văn Thất lái xe nhanh qua chỗ bom.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại: “Dù khả năng thành công là 50-50 nhưng vì không có cách nào khả dĩ hơn nên chúng tôi thực hiện ngay phương án đã quyết. Tôi hô anh em sẵn sàng vượt trọng điểm và nhảy lên ca bin cùng Thất.

Sau khi cho xe nổ máy, tăng ga, lấy đà, Thất cho xe lao nhanh qua trọng điểm. Khi qua trạm barie gần 100m, tôi nghe một tiếng "gục" rất lớn và xe khựng lại.

Theo bản năng, Thất hô to: “Chết rồi, xe dính rồi!”. Tôi vội nhảy xuống xe, qua làn khói bom và bụi sặc sụa vẫn nhìn thấy một hố bom lớn ở phía sau. Hố bom cách mép đường chừng 5m, kiểm tra xe không thấy hỏng hóc gì, tôi bảo Thất nổ máy tiếp. Tiếng máy rộ lên, tôi hô lớn lệnh cho toàn đại đội vượt trọng điểm”.

 Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, năm 2012.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, năm 2012.

Trước những được - mất, sống - còn, những người lính Trường Sơn không ai suy tính thiệt hơn mà chỉ nghĩ đến một điều giản đơn là làm sao để vượt trọng điểm, hoàn thành nhiệm vụ bằng ý chí và cả sự may mắn.

Mà như Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, bản thân ông cũng không ít lần thoát chết trong gang tấc. Một lần, khi vượt trọng điểm liên hoàn A.T.P dịp Tết Nguyên đán năm 1971, ông chỉ huy tiểu đoàn xe vừa lên khỏi đèo thì loạt bom B-52 của địch rơi xuống giữa đội hình tưởng cả đoàn xe bị xóa sổ, nhưng may là không ai bị thương vong, riêng xe hỏng mất 7 chiếc.

Lần khác, khi ông rời Trường Sơn về làm Chính trị viên Tiểu đoàn ca nô 166, làm nhiệm vụ chi viện cho lực lượng bảo vệ Thành cổ và cánh đông Quảng Trị. Đêm 21-7-1972, trên sông Thạch Hãn, chiếc xuồng chỉ huy trúng thủy lôi, Chính trị viên Tiểu đoàn Hoàng Anh Tuấn bị sức ép bật tung người, đập mặt xuống nước, bùn xộc vào mồm mũi. Anh được cứu sống, đưa về Đội điều trị 14 dưỡng thương. Mới nửa tháng, nghe tin tiểu đoàn bị tập kích, ông kiên quyết xin được trở về đơn vị làm việc kết hợp điều trị.

Ấy vậy mà “tai họa” vẫn chưa dừng lại. Trong thời gian tích cực cùng ban chỉ huy đơn vị tập trung sức củng cố lực lượng, đẩy mạnh chi viện Thành cổ, B-52 lại rải thảm trúng vị trí đóng quân khiến Hoàng Anh Tuấn bị bỏng cháy rộp mặt, phải đưa ngay đến bệnh xá đặc công Hải quân điều trị.

Sau mấy lần dưỡng thương, khi soi gương nhìn khuôn mặt phồng rộp, méo mó của mình, đã có lúc ông không tránh khỏi cảm xúc bi quan, trùng bước. “Giữa lúc tâm trạng rối bời ấy thì tôi nhận được thư động viên của vợ là y sĩ Nguyễn Thị Minh Cử đang công tác tại bệnh viện của Bộ tư lệnh. Đọc thư và cũng nghĩ đến bao người phụ nữ thủy chung son sắt bên những người chồng thương tật, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những mặc cảm, tiếp tục phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ” - vị tướng già bồi hồi.

Đoàn xe vận tải vượt Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Đoàn xe vận tải vượt Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Năm tháng đối mặt với bom đạn ác liệt cùng biết bao thủ đoạn hiểm độc của kẻ thù, lại cả vô vàn khó khăn thiếu thốn, cạm bẫy từ đại ngàn Trường Sơn đã tạo nên một Hoàng Anh Tuấn có bản lĩnh kiên cường.

Ông và đồng đội có mặt trên những cung đường, trọng điểm ác liệt nhất, với những địa danh mà ông không thể nào quên, như: Đèo Phu La Nhích, ngầm Tà Lê, cua chữ A, phà Xuân Sơn, Văng Mu, Lùm Bùm, Chà Là, Cốc Mạc, Thà Khống, Bản Đông...

Mặc bom cày, đạn xới, những chuyến xe cứ hối hả vượt cung, tăng chuyến, chạy lấn sáng, lấn chiều để hoàn thành nhiệm vụ trên giao, kịp thi đua, báo công dâng Bác. Nhất là vào những dịp đặc biệt như kỷ niệm sinh nhật Bác hay lập thành tích để mừng Đảng, mừng xuân.

Những vốn quý từ thực tiễn chiến đấu trên Trường Sơn ấy, sau này lại được quân đội đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đã giúp Hoàng Anh Tuấn trở thành một cán bộ chính trị giỏi, có bản lĩnh vững vàng.

Theo đánh giá của đồng đội và bạn bè cùng thời, trong làm việc và trong cuộc sống, ông không phải là tuýp người sôi nổi hăng hái thích kiểu bề nổi. Ông trầm tính và chân tình khiến người khác dễ gần nhưng ẩn chứa trong đó là sự sắc sảo và chịu nghĩ để tìm phương pháp tiếp cận vấn đề một cách tốt nhất, nhanh mà hiệu quả nhất. Đồng chí, đồng đội không bao giờ thấy ông cáu giận hoặc thể hiện sự không hài lòng ra mặt với ai bao giờ.

Mãi mãi với Trường Sơn hôm qua và đồng đội hôm nay

Hơn 10 năm ở Trường Sơn, từ chiến sĩ lái xe cho đến khi đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trên tuyến lửa huyền thoại. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông tiếp tục công tác trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu năm 2007 trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm về chính trị (nay là Chính ủy) Tổng cục Kỹ thuật. Sau khi nghỉ hưu, trong một lần ông đến thăm nhà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn), Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gợi ý ông nên tham gia Ban liên lạc (BLL) toàn quốc Bộ đội Trường Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và các tình nguyện viên của Trung tâm nhân đạo Trường Sơn trong một hoạt động thiện nguyện đầu tháng 4-2024.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn và các tình nguyện viên của Trung tâm nhân đạo Trường Sơn trong một hoạt động thiện nguyện đầu tháng 4-2024.

Suy nghĩ của thủ trưởng cũ cũng là nỗi trăn trở từ lâu, thế là ông quyết định tham gia BLL Bộ đội Trường Sơn.

Khi đó, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 / 19-5-2009) rất cần kinh phí tổ chức các hoạt động mà BLL mới có vài triệu đồng trong tay. Tôi mạnh dạn đề nghị tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp quân đội toàn quốc để vận động các mạnh thường quân ủng hộ" - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại.

Kết quả, bằng sự nỗ lực vận động của mình và các cộng sự, ông mời được hơn 50 doanh nghiệp trong quân đội và các đồng đội Trường Sơn tham gia ủng hộ.

Và ngay trong buổi gặp mặt toàn quốc đầu tiên đã vận động được hơn 500 triệu đồng từ các nhà tài trợ. Sau đó 3 tháng, ông lại vận động ủng hộ thêm được 300 triệu đồng nữa làm kinh phí cho hoạt động của BLL.

“Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn đó. Không ít đồng đội của chúng tôi vẫn còn khó khăn và chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Khắc ghi lời Bác dạy, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng để làm được nhiều việc nghĩa hơn, tri ân được tới nhiều đồng đội hơn nữa!” - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn bày tỏ.

Gia đình Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tặng sách tại Sơn Tây, Hà Nội đầu Xuân 2024.

Gia đình Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tặng sách tại Sơn Tây, Hà Nội đầu Xuân 2024.

Năm 2011, Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam chính thức được thành lập, lấy ngày 19-5 - Ngày sinh của Bác, cũng là ngày ra đời của Bộ đội Trường Sơn, làm ngày truyền thống.

Các hoạt động hội được tập thể thống nhất cao trên tinh thần dân chủ, tự nguyện với quy chế, mục đích rõ ràng: Hội là nơi tập hợp, đoàn kết hội viên, giữ gìn, phát huy truyền thống, bảo vệ di sản Trường Sơn; tổ chức và phối hợp các hoạt động tri ân nghĩa tình Trường Sơn, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đất nước. Đến nay, hội đã trở thành mái nhà chung của cựu chiến binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn...

13 năm qua, Hội Trường Sơn mà chú Tuấn đang là Phó chủ tịch thường trực đã vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ, quyên góp được số tiền, hiện vật lên tới hơn hàng trăm tỷ đồng. Từ số tiền ấy, không thể kể hết các công trình tri ân, những việc làm nghĩa tình mà hội đã làm được.

Trên khắp mọi miền Tổ quốc, hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm cùng các suất học bổng đã được tới tận tay các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, hội viên có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi…

Bằng cái tâm và uy tín của mình, trong quá trình tham gia công tác hội, chú đã có những việc làm mang tính đột phá, trong đó phải kể đến những công việc do chính ông khởi xướng.

Giờ đây, ở tuổi 80, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn vẫn miệt mài tham gia các chuyến đi nghĩa tình. Nơi nào có đồng đội còn khó khăn cần được giúp đỡ là thấy chú xuất hiện. Tuổi cao, sức khỏe ngày một suy giảm nhưng hễ có thể là chú sẵn sàng lên đường đi tìm hiểu, khảo sát thực tế và bằng mọi cách có thể vận động mọi nguồn lực xã hội hóa, thậm chí là mang tiền nhà đi ủng hộ những mong đồng đội vơi bớt nặng gánh nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tại Điện Biên Phủ, tháng 4-2024.

Vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn tại Điện Biên Phủ, tháng 4-2024.

Một điều đặc biệt là, trên mỗi hành trình của mình, chú Tuấn luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của người vợ tào khang. Hơn nửa thế kỷ nên duyên chồng vợ, hai người luôn thông hiểu, chia sẻ và có “nghệ thuật trong giữ lửa tình yêu”.

Vì thế, ông bà có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, con cháu đều là những người thành đạt, có địa vị trong xã hội.

Còn tôi, thế hệ trưởng thành khi đất nước đã hòa bình, được hưởng thành quả do lớp tiền bối như chú Tuấn, cô Cử và rất rất nhiều người lính Trường Sơn một thời gây dựng, bồi đắp sẽ không vào giờ quên những cống hiến, hy sinh của họ.

Trân trọng, kính quý và ngưỡng mộ, tự hào… là những cảm xúc mà tôi muốn gửi đến họ qua bài viết này nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Ngày mở đường Hồ Chí Minh (19-5-1959 / 19-5-2024).

Nhất là khi mới đây, tôi được biết, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cùng với Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Trường Sơn hiện nay (nguyên Chính ủy Binh trạm 42 Trường Sơn) nằm trong danh sách các cá nhân được Tổng cục Chính trị hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ Quốc phòng xét, đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên cương vị Chính trị viên Đại đội 1, nguyên Chính trị viên phó Tiểu đoàn 52, Binh trạm 14, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Ca nô 166, Binh trạm 12, Bộ tư lệnh 559.

SONG THANH - BẢO LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/chu-tuan-776792