Hàng nghìn người tham gia chiến dịch nhặt rác ở Hà Nội

Sáng 2/6, tại công viên Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội), hàng nghìn tình nguyện viên với nhiều lứa tuổi đã cùng nhau tham gia hoạt động nhặt rác, thuộc chiến dịch của Công đồng xanh Việt Nam, hưởng ứng ngày Môi Trường Thế Giới năm 2024.

Từ sáng sớm, rất động tình nguyện viên đã tập trung tại khu vực công viên Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội), chờ đợi tham gia chiến dịch nhặt rác mang tên "Clean Up Việt Nam". Đây là mùa thứ 6 của chiến dịch, và là một hoạt động trọng tâm để nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường sống.

Toàn cảnh tình nguyện viên tới tham gia hoạt động nhặt rác.

Toàn cảnh tình nguyện viên tới tham gia hoạt động nhặt rác.

Biết đến thông tin chương trình ý nghĩa này từ một fanpage Facebook, hôm nay, anh Thái Văn Khánh đã quyết định cùng vợ con đến tham gia. Không chỉ góp phần nhỏ truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, anh Khánh hy vọng chương trình còn là cơ hội để các con được trải nghiệm và học hỏi.

Anh Khánh chia sẻ: "Tôi thấy chương trình này rất ý nghĩa. Những chương trình như thế này sẽ tạo động lực cho lớp trẻ, nhất là các cháu nhỏ có ý thức hơn về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường thật sạch sẽ. Tôi rất vui khi thấy các con mình hào hứng tham gia hoạt động này".

Anh Khánh cùng vợ và các con tới tham gia hoạt động nhặt rác.

Anh Khánh cùng vợ và các con tới tham gia hoạt động nhặt rác.

Trước khi bắt đầu hoạt động, các tình nguyện viên sẽ được nhận các dụng cụ hỗ trợ như: găng tay, kẹp sắt, bao tải và được hướng dẫn phân loại rác phù hợp. Rác được phân chia thành 3 loại chính: Rác thải tái chế (vỏ lon, vỏ chai, thanh sắt…); Rác thải nguy hiểm (kim tiêm, pin, thủy tinh); Các loại rác thường gặp (túi nylon, đồ dùng nhựa, ống hút, những miếng xốp…). Các tình nguyện viên cũng sẽ được hướng dẫn cách thu gom từng loại rác này một cách phù hợp và an toàn.

Các tình nguyện viên được ban tổ chức chia dụng cụ thu gom rác.

Các tình nguyện viên được ban tổ chức chia dụng cụ thu gom rác.

Ban tổ chức hướng dẫn các tình nguyện viên phân loại rác.

Ban tổ chức hướng dẫn các tình nguyện viên phân loại rác.

Là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội, quyết định tham gia hoạt động nhặt rác, mong muốn ban đầu của bạn Nguyễn Tạ Mai Huyền là góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc bảo vệ môi trường. Khi trực tiếp tham gia, Huyền không chỉ cảm thấy vui vẻ khi làm được một việc ý nghĩa, mà còn cảm thấy bản thân có thêm nhận thức về sự nguy hại của từng loại rác thải và biết được cách phân loại rác chính xác hơn, góp phần bảo vệ môi trường.

Nguyễn Tạ Mai Huyền chia sẻ với phóng viên.

Nguyễn Tạ Mai Huyền chia sẻ với phóng viên.

Sau khi thu gom, các loại rác hữu cơ sẽ được vùi luôn vào các bồn cây ven đường. Các loại rác như cốc nhựa, túi nylon hay rác thải điện tử sẽ được chuyển tới các công ty, trung tâm tái chế để xử lý một cách phù hợp, hiệu quả.

Các tình nguyện viên tiến hành nhặt rác dọc các tuyến đường.

Các tình nguyện viên tiến hành nhặt rác dọc các tuyến đường.

Sau đó tập kết rác tại một điểm.

Sau đó tập kết rác tại một điểm.

Chiến dịch "Clean Up Việt Nam Lần 6" là chiến dịch nhặt rác với quy mô toàn quốc, được triển khai cùng ngày trên 63 tỉnh thành, các đảo, quần đảo của Việt Nam, với sự tham gia của hơn 100.000 tình nguyện viên. Tại điểm cầu Hà Nội, chiến dịch có sự hưởng ứng của hơn 1000 tình nguyện viên, với nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau.

Anh Hoàng Mạnh Quân, Thủ lĩnh chiến dịch Clean Up lần 6 tại Hà Nội cho biết, chiến dịch nhặt rác toàn quốc Clean Up Việt Nam góp phần "hô biến" hàng trăm bãi rác tự phát dọc khắp 63 tỉnh thành và các đảo trở nên sạch đẹp, từng bước đưa Việt Nam từ top các quốc gia có thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới, trở thành top những quốc gia sạch đẹp nhất Đông Nam Á trước năm 2025.

Chiến dịch cũng góp phần quảng bá hình ảnh người Việt Nam trong màu áo cờ đỏ sao vàng chung tay làm sạch môi trường tới bạn bè quốc tế. Từ đó truyền cảm hứng và tình yêu môi trường tới thế hệ trẻ và người dân, góp phần vào việc kích cầu du lịch và nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Anh Hoàng Mạnh Quân tập kết rác cùng các tình nguyện viên.

Anh Hoàng Mạnh Quân tập kết rác cùng các tình nguyện viên.

Đánh giá vai trò của chiến dịch, ông Vũ Minh Lý, Phó giám đốc Trung tâm truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: "Làm cho Việt Nam thêm xanh, sạch, đẹp không phải là công tác một sớm một chiều và cần có sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi đánh giá cao các nhóm tình nguyện tự phát như Cộng đồng xanh Việt Nam. Từ những hành động cụ thể của các bạn, đã lan tỏa, truyền cảm hứng tốt tới cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, cũng như thay đổi hành vi của nhiều người với việc thu gom, xử lý và tái chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa".

Dương Thành - Đức Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-nghin-nguoi-tham-gia-chien-dich-nhat-rac-o-ha-noi-169240602113800442.htm