Chủ xe cho thuê mách 'chiêu' khi dính phạt nguội
Chủ cơ sở cho thuê xe nên lập các hợp đồng rõ ràng cùng khách hàng về trách nhiệm trước các vi phạm.
Vừa qua, trong một hội nhóm ô tô trên mạng xã hội Facebook, một số cá nhân đăng tải hình ảnh giấy báo phạt nguội. Những người này than phiền vì bản thân chỉ là chủ xe, còn người vi phạm thật sự lại là khách thuê ô tô tự lái nên chẳng biết phải xử lý ra sao.
Chủ xe mách “chiêu” hay
Có kinh nghiệm hơn bảy năm trong nghề cho thuê ô tô tự lái, anh Bùi Thanh Tuấn (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng việc xử lý phạt nguội do khách thuê vi phạm không khó nhưng chủ xe phải có “chiêu”. “Chiêu” được anh Tuấn nhắc đến là việc chủ xe phải có thỏa thuận rõ ràng cùng khách thuê khi có vi phạm giao thông và những rủi ro khác xảy ra.
“Người thuê cần đưa bằng lái xe, hộ khẩu, để lại CMND và tiền đặt cọc. Hầu hết chủ xe đều tra cứu bằng lái xe của khách thuê xe trên cổng thông tin của Sở GTVT, công an… để xác định nhân thân người thuê, các giấy tờ là thật hay giả mạo. Hợp đồng thuê phải có điều khoản khách thuê chịu nộp phạt các vi phạm giao thông trong thời gian thuê xe do họ vi phạm” - anh Tuấn mách nước.
Hơn hết, ngay khi khách trả xe, anh Tuấn đều lên website Cục CSGT hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam để tra cứu vi phạm. Trường hợp xe bị phạt nguội, anh Tuấn sẽ liên hệ với đơn vị CSGT xử phạt hoặc tra cứu văn bản pháp luật để biết mức phạt và khấu trừ vào tiền cọc.
Anh Trần Thanh Lĩnh (ngụ quận 7, TP.HCM), cũng là người cho thuê ô tô tự lái, cho rằng việc lập hợp đồng thuê rõ ràng và thường xuyên tra cứu vi phạm là biện pháp hữu hiệu để tránh phải nộp phạt oan.
“Ngày nào tôi cũng phải vào mạng vài lần để tra cứu biển số xe mình cho thuê có vi phạm giao thông không. Nếu khách đã trả xe và mình đã trả tiền đặt cọc thì cũng rất khó đòi tiền nếu bị phạt nguội. Vì vậy, tôi cố tra cứu sớm khi khách chưa trả xe, trừ tiền phạt vào tiền cọc luôn cho dễ” - anh Lĩnh nói.
Cũng theo anh Lĩnh, một số trường hợp khách thuê vi phạm liền trước khi trả xe, lúc đó hệ thống tra cứu vi phạm chưa kịp cập nhật thì chủ xe sẽ khó khăn trong việc tra cứu phạt nguội.
Chủ xe cần phối hợp với cảnh sát giao thông
Theo điểm c khoản 3 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020, khi có kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải nhanh chóng xác định tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính và thông báo bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo quy định tại khoản 8 và khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019 sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021, chủ phương tiện bắt buộc phải đến và có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người trực tiếp lái xe thực hiện hành vi vi phạm.
Quá thời hạn ghi trong thông báo vi phạm, nếu chủ phương tiện không đến phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm theo thông báo của cơ quan CSGT, thì thông báo sẽ được gửi cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên chương trình quản lý kiểm định.
Phạt nguội ngoài hiệu quả trong việc xử lý vi phạm còn góp phần nâng cao ý thức của chủ xe trong việc giao xe cho người khác, dù là cho thuê, cho mượn; đồng thời cũng thúc đẩy việc mua bán xe phải sang tên đổi chủ, tránh những rắc rối về sau.
Luật sư NGUYỄN VĂN NHÀN, Đoàn Luật sư TP.HCM
>
Cần cập nhật dữ liệu phạt nguội sớm
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho hay theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người đứng tên phương tiện giao thông phải chịu trách nhiệm pháp lý do phương tiện mình làm chủ vi phạm.
Trong thủ tục xử lý vi phạm bằng hình thức phạt nguội thì CSGT sẽ dựa vào biển số xe để xác định chủ phương tiện và gửi giấy thông báo về việc vi phạm. Do đó, trường hợp người thuê xe vi phạm thì chủ xe vẫn là người có trách nhiệm làm việc cùng cơ quan chức năng để làm rõ hành vi vi phạm.
Thực tế, hầu như chủ xe là người nộp phạt, còn việc đòi lại tiền phạt sẽ dựa trên các thỏa thuận, thương lượng của chủ xe và khách thuê.
Để tránh tình trạng khó xử khi xe cho thuê bị phạt nguội, các chủ cho thuê xe đã tạo thêm một số điều khoản trong hợp đồng về trách nhiệm các bên trước các vi phạm. Cùng với đó là việc thường xuyên truy cập cổng thông tin của CSGT, cơ quan đăng kiểm để tra cứu vi phạm và khấu trừ tiền nộp phạt vào tiền cọc khi khách trả xe, đây là biện pháp hữu hiệu nhất.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở cho thuê ô tô nhỏ lẻ thường không có đăng ký kinh doanh, khi cho thuê xe cũng chỉ lập hợp đồng mà không mang hợp đồng đi công chứng, chứng thực. Nhiều trường hợp hợp đồng viết tay hoặc thậm chí không có hợp đồng nên việc đòi tiền phạt cũng rất khó khăn nếu gặp phải khách thuê không đàng hoàng.
Mặt khác, có trường hợp do dữ liệu vi phạm giao thông chưa cập nhật kịp nên chủ xe không tra cứu ra vi phạm. Sau đó, chủ xe khó đòi tiền phạt vì không liên lạc được với khách thuê hoặc khách thuê không chịu trả tiền phạt. Lúc này, chủ thể chỉ có thể khởi kiện dân sự đòi tiền phạt hoặc đành bỏ qua. Trường hợp chủ xe không lập hợp đồng thuê thì việc khởi kiện càng khó khăn hơn.
“Giải pháp lâu dài, chủ cơ sở cho thuê xe tự lái nên lập các hợp đồng rõ ràng cùng khách hàng. Cơ quan CSGT cần gửi thông báo phạt nguội sớm, cập nhật nhanh lên hệ thống cơ sở dữ liệu về xe vi phạm giao thông để người dân tra cứu” - luật sư Hậu nhận định.
Cách tra cứu phạt nguội trên mạng
Người dân có thể chủ động tra cứu thông tin phạt nguội bằng cách truy cập các cổng thông tin Cục CSGT: Cục Đăng kiểm Việt Nam: http://www.vr.org.vn/ptpublic/, trang thông tin điện tử của công an tỉnh, thành phố theo cú pháp:
Bước 1: Truy cập cổng thông tin.
Bước 2: Nhập biển số xe vào ô “biển đăng ký” và ấn “tra cứu”.
Bước 3: Xem các lỗi vi phạm (nếu có) bên dưới dòng “Thông báo của cơ quan chức năng liên quan đến phương tiện”. Trường hợp không có thông báo nghĩa là xe không bị phạt nguội.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chu-xe-cho-thue-mach-chieu-khi-dinh-phat-nguoi-1042641.html