Chú ý cải cách lương khối cơ quan tư pháp

Cải cách tiền lương phải làm đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó căn cơ nhất là giảm số người hưởng lương từ ngân sách.

Chiều 30-1, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã xông đất và có cuộc làm việc với Bộ Nội vụ liên quan đến việc cải cách tiền lương.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương (TƯ) sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm. Ngoài ra cần rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ TƯ đến cơ sở để hoàn thiện bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị.

Phó chánh án Tòa Tối cao lương bằng thứ trưởng

Theo Phó Thủ tướng, khi đi khảo sát về tiền lương, ông đặc biệt chú ý đến khối các cơ quan tư pháp, tòa án, VKS.

Ông Vương Đình Huệ nói: “Một đồng chí phó chánh án TAND Tối cao, đồng thời cũng là thẩm phán TAND Tối cao, nếu phụ cấp chức vụ, tiền lương như thứ trưởng thì có thỏa đáng không? Hay một phó viện trưởng VKSND Tối cao là kiểm sát viên VKSND Tối cao cũng chỉ hưởng chế độ thế thôi…”.

Phó Thủ tướng nêu dẫn chứng khác: Một đồng chí ủy viên Ủy ban Kiểm tra TƯ do Ban chấp hành TƯ bầu nhưng hệ số chỉ 1,25, bằng một đồng chí tổng cục phó loại hai hoặc tổng cục trưởng loại một, chưa được như thứ trưởng. “Điều này có thỏa đáng không, trong khi đây là vị trí do Ban chấp hành TƯ bầu ra và rất quan trọng” - vẫn lời Phó Thủ tướng.

Theo ông Vương Đình Huệ, thời điểm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 vào ngày 1-1-2021 hay 1-7-2021 hiện vẫn đang được cân nhắc và sẽ được quyết định tùy theo sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan.

Mặt khác, cải cách chính sách tiền lương phải làm đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó căn cơ nhất là phải sắp xếp, tinh giản bộ máy, giảm biên chế, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách theo tinh thần Nghị quyết 27 và Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.

Theo đó, đến năm 2021 phải giảm được ít nhất 10% biên chế, đồng thời phải tạo được nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. “Phải giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước ít nhất 10%. Nếu bộ máy cứ phình ra thì khó cải cách tiền lương” - Phó Thủ tướng lưu ý.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành chương trình công tác năm 2020 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó việc đầu tiên là xây dựng hệ thống các chức danh, chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị và vị trí việc làm, do Ban Tổ chức TƯ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc. Ảnh: THÀNH CHUNG

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc. Ảnh: THÀNH CHUNG

Tinh gọn bộ máy là căn bản

Liên quan đến xây dựng các nội dung quy định cụ thể về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, ông Vương Đình Huệ cho biết đây là một đề án lớn. Theo đó, phải trình Bộ Chính trị xem xét và quyết định trong năm 2020 để có căn cứ xây dựng các bước tiếp theo.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ sớm trình để ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 55 của Chính phủ về việc thành lập, giải thể và cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra còn có nghị định sửa đổi Nghị định 41 liên quan đến biên chế, vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong năm 2020, Bộ Nội vụ phải thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập để đạt được mục tiêu giảm được số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong khối đơn vị sự nghiệp, kể cả y tế và giáo dục.

“Có hàng trăm đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần, chỉ chờ nghị định là chuyển đổi được ngay nhưng giờ vướng mắc là chưa có nghị định” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đánh giá việc sắp xếp lại các huyện, xã, sắp xếp lại các tổ dân phố, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cơ sở giảm được bao nhiêu phải tính toán kỹ để có cân đối nhu cầu.

Nhấn mạnh việc phải tiếp tục quyết liệt thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Phó Thủ tướng cho rằng đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành, địa phương cần quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương.

Đã có 14 bộ, cơ quan có báo cáo về xây dựng bảng lương

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết ngày 29-11-2019, Bộ Nội vụ đã có công văn đề nghị các bộ, cơ quan hoàn thiện báo cáo chính thức về xây dựng bảng lương và phụ cấp theo nghề căn cứ dự thảo thiết kế bảng lương mới.

Đến nay đã có 14 bộ, cơ quan có báo cáo (gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Dân tộc, TAND Tối cao, Bộ VH-TT&DL, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT). Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đã có công văn gửi các bộ, cơ quan TƯ và UBND 63 tỉnh, thành đề nghị báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ phân công trong cải cách tiền lương. Đến nay, 28/36 bộ, ngành và 41/63 tỉnh, thành gửi báo cáo.

Bộ Nội vụ đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan ở TƯ chưa gửi báo cáo khẩn trương hoàn thiện báo cáo chính thức về đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nghề đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Nội Vụ.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/chu-y-cai-cach-luong-khoi-co-quan-tu-phap-886479.html