Chưa bằng lòng với những đột phá, Quảng Ninh quyết tâm vươn tới đích xa hơn
Là địa phương đứng trong top 3 những 'cuộc đua' quan trọng về các chỉ số cải cách hành chính (CCHC) nhưng Quảng Ninh không ngừng xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ để chinh phục mục tiêu cao hơn.
Trung tâm điều hành thông minh của Quảng Ninh đã chính thức hoạt động. (Nguồn: BQN)
Những thành tựu ấn tượng
Năm 2019 là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí dẫn đầu 63 tỉnh, thành phố về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh cũng có sự thăng hạng xuất sắc khi vươn lên vị trí dẫn đầu toàn quốc. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 của Quảng Ninh cũng có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng của từng trục nội dung, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố.
Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) sau 4 năm đứng ở vị trí thứ 4 đã vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc. Cũng trong năm 2019, tỉnh Quảng Ninh vinh dự là một trong 3 địa phương của cả nước được Thủ tướng Chính phủ chọn thực hiện thí điểm việc kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phát biểu tại Hội nghị phân tích các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT và công bố kết quả xếp hạng các chỉ số của sở, ngành, địa phương năm 2019 diễn ra mới đây, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, kết quả tích cực của các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT là thành quả từ sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của hệ thống chính trị toàn tỉnh trong việc phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Xác định công tác CCHC là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Quảng Ninh đã thực hiện thành công nhiều giải pháp về CCHC, nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo những đột phá mới trong phát triển.
Trong 6 trục nội dung CCHC, Quảng Ninh đã có nhiều đột phá trong thực hiện tinh gọn tổ chức, bộ máy, gắn với tinh giản biên chế; hiện đại hóa nền hành chính gắn với việc triển khai xây dựng đề án chính quyền điện tử ở cả 3 cấp và khởi động mạnh mẽ thành phố thông minh.
Đặc biệt, Quảng Ninh xây dựng mô hình đột phá là thành lập các trung tâm hành chính công (cấp tỉnh, cấp huyện) và 177 bộ phận một cửa cấp xã. Với việc tiên phong đổi mới, mạnh dạn tháo dỡ những “rào cản” vốn tồn tại từ trước đến nay ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, đã mang đến những thành quả của tỉnh trong CCHC với mục tiêu hàng đầu là hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ.
Ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, thị xã Đông Triều là địa phương dẫn đầu bảng xếp hạng, thành phố Uông Bí và huyện Đầm Hà là 2 địa phương có sự tăng điểm và vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Cục Hải quan tỉnh là đơn vị đứng đầu bảng xếp hạng, Cục Thuế tỉnh đứng thứ 2.
Về kết quả điều tra sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) năm 2019, tỉnh Quảng Ninh cũng vinh danh 3 đơn vị dẫn đầu các khối gồm: Sở Thông tin-Truyền thông; thành phố Hạ Long; Công an tỉnh.
Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) năm 2019, 3 địa phương có số điểm cao nhất lần lượt là: TP Hạ Long, huyện Tiên Yên và thị xã Quảng Yên.
Đối với mức độ xếp hạng Chính quyền điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương năm 2019, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh dẫn đầu khối các sở, ngành; thành phố Uông Bí dẫn đầu khối các địa phương cấp huyện; khối các địa phương cấp xã là phường Nam Khê (Uông Bí).
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, Quảng Ninh tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT. (Nguồn: BQN)
Vươn tới đích xa hơn
Dù đã gặt hái được những thành tựu ấn tượng nhưng Quảng Ninh chưa bao giờ dừng phấn đấu. Tính đến năm 2020, tỉnh đã có 4 năm thực hiện đánh giá PAR INDEX, SIPAS, PAPI và năm đầu tiên thực hiện đánh giá ICT. Tại các hội nghị đánh giá này, các cơ quan chuyên môn đánh giá, phân tích, làm rõ những điểm yếu kém, chưa đạt kết quả như kỳ vọng, gợi mở những giải pháp mới cho tỉnh.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tập trung CCHC toàn diện, với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm mới. Từ đó, Tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương thi đua lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.
Khẳng định quyết tâm chính trị trong công tác CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đòi hỏi Quảng Ninh tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, ICT với yêu cầu cao hơn, bằng những nội dung phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến khu vực dịch vụ công.
Thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với nhiệm vụ CCHC.
Ngoài ra, cần chú trọng tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức tư duy cho đội ngũ cán bộ công chức của cả hệ thống chính trị, tập trung xử lý nội dung người dân, doanh nghiệp còn phàn nàn, kêu ca liên quan đến phẩm chất đạo đức, tham nhũng vặt, hành vi thiếu ý thức, trách nhiệm và tinh thần phục vụ hoặc có một bộ phận nhỏ chưa nhiệt huyết trách nhiệm, thậm chí thờ ơ, vô cảm với những yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tuân thủ TTHC và nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính các cấp. Tăng cường thông tin đảm bảo công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, nhất là trong thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đầu tư công, thu chi ngân sách...
Hiện tại, Quảng Ninh tiếp tục có đề án và đầu tư phù hợp, gắn với hiệu quả sau đầu tư trong việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, chính quyền điện tử, chuyển mạnh sang chính quyền số gắn với thành phố thông minh. Đồng thời, phấn đấu sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đồng bộ và hiện đại để vươn tới đích xa hơn, tạo đột phá trong CCHC thời gian tới.