'Chưa bao giờ thấy nghề y thiêng liêng và giá trị như vậy!'
là tâm sự của Y sĩ Lưu Văn Khánh, sinh năm 1989, nhân viên y tế thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
Y sĩ Lưu Văn Khánh - một trong những cán bộ y tế được giao nhiệm vụ cắm chốt tại các khu cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao của tâm dịch Hải Dương.
Cả 3 đợt dịch bùng phát tại Hải Dương vừa qua, Y sĩ Khánh đều là người được điều động tham gia vào cuộc ngay từ những ngày đầu.
Đợt dịch này, anh là cán bộ y tế cắm chốt tại Trường Tiểu học Lai Cách (Cẩm Giàng, Hải Dương).
Nhận được nhiệm vụ, anh Khánh chỉ kịp về nhà dặn vợ rồi lên đường. Với anh Khánh, mỗi lần nghĩ đến câu nói của vợ là mỗi lần anh day dứt: “Anh đi rồi, ai đưa em đi sinh?”.
Y sĩ Khánh đang làm nhiệm vụ đo thân nhiệt cho cô giáo tại điểm cách ly trường tiểu học Lai Cách, Cẩm Giàng, Hải Dương (ảnh TL).
Y sĩ Khánh kể: “Là đàn ông lại đi vắng trong những lúc vợ cần mình nhất, dễ tủi thân nhất thì cũng thương lắm. Nhưng một khi đã chọn lấy nghề y là chọn những gian lao rồi nên đều xác định phải vượt qua những khó khăn cá nhân”.
Điểm cách ly tại trường tiểu học Lai Cách có đến 100 người được cách ly y tế gồm 62 học sinh, 41 phụ huynh, 7 thầy cô giáo.
Trong những ngày qua, gần như anh không có thời gian nghỉ ngơi. Từ theo dõi sức khỏe đến đảm bảo giãn cách, tất cả đều được thực hiện một cách đầy đủ, rõ ràng với tâm thế khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm.
Trong mắt các học sinh Trường Tiểu học Lai Cách, người đàn ông luôn trùm đồ bảo hộ từ đầu đến chân, mồ hôi lúc nào cũng ròng ròng là một “chú siêu nhân”. Sở dĩ vậy, là bởi nhất cử, nhất động từ vui chơi đến sinh hoạt “đều do chú quyết định”.
Chị Nguyễn Thúy An, 35 tuổi, phụ huynh bé Phạm Duy Hưng, học sinh lớp 4D, trường tiểu học Lai Cách chia sẻ: “Nói thật tình, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết mặt bác sĩ như thế nào vì chỉ được nhìn qua quần áo bảo hộ. Dân Lai Cách chúng tôi cảm động, biết ơn anh ấy lắm. Tôi ở nhà có vài đứa con quản lý còn khó đây một mình Khanh phải lo cho cả trăm người".
"Chỉ mong sao hết dịch, không phải cách ly mà được gặp, bắt tay nói lời cảm ơn cho đỡ áy náy”, chị An nói.
Y sĩ Nguyễn Văn Khánh (bên phải)
Vào ngành năm 2011, tính đến nay đã 11 năm gắn bó nhưng với anh Khánh đây là thời khắc đặc biệt: “Năm nay là năm đặc biệt nhất với những anh em ngành Y như chúng tôi. Vất vả, khó khăn trăm bề nhưng chưa bao giờ chúng tôi thấy nghề y thiêng liêng và giá trị như vậy. Dẫu cho tôi chọn lại nhiều lần nữa tôi vẫn xin tình nguyện tham gia vào hàng ngũ mặc áo blouse trắng".
"Nhiều lúc trong khu cách ly, nhìn các con còn nhỏ, bố mẹ công tác xa không thể đi cách ly cùng đứng khóc một góc, tôi là đàn ông nhưng cũng không cầm lòng nổi. Các em cũng là chiến binh của cuộc chiến này”, anh Khánh chia sẻ.