Chữa bệnh bằng chế độ thực dưỡng, tin đồn: Phản khoa học, gây suy kiệt sức khỏe

Nhiều bệnh nhân khi thực hiện theo chế độ ăn kiêng bằng cách chỉ ăn gạo lứt, muối mè trong một thời gian dài để chữa bệnh ung thư, tiểu đường, suy thận… đã tử vong. Điều này cảnh báo cho tình trạng người bệnh thiếu niềm tin vào y học hiện đại, nhưng dễ dàng mù quáng tin theo các tin đồn...

Suy nghĩ sai lầm về thực dưỡng

Hiện nay, nhiều người dân bị những căn bệnh như: ung thư, tiểu đường, suy thận… đã không tin theo y học để chữa bệnh. Một trong những lý do có thể hiểu được là những bước tiến về y học chưa chữa trị dứt điểm được những căn bệnh này.

Tuy nhiên, khi đánh mất niềm tin vào y học hiện đại thì nhiều người lại tìm đến nhiều cách chữa bệnh kỳ lạ như: chữa bệnh bằng thực dưỡng, bằng các đồn đoán trên mạng xã hội. Theo đó, nhiều người nghĩ rằng, nếu ăn theo chế độ kiêng khem, ăn cơm gạo lứt, muối mè, nhai nhiều thì sẽ chữa được bách bệnh nên mù quáng tin theo.

Một người bệnh suy kiệt được cấp cứu vì chữa bệnh bằng thực dưỡng trong thời gian dài.

Câu chuyện về nữ bệnh nhân 59 tuổi ở Hà Nội, ngày 6/1 đã tử vong khi trải qua 2 tháng ăn thực dưỡng và sau 4 ngày được cấp cứu tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai là minh chứng rõ ràng nhất cho sai lầm tin theo cách điều trị thực dưỡng. Theo đó, người này mắc bệnh tiểu đường, nhưng đã bỏ thuốc điều trị, chuyển sang ăn chế độ “thực dưỡng” với sữa hạt, gạo lứt, muối mè... Bà tin rằng, với cách ăn uống kiêng cữ, sẽ giúp bệnh tình thuyên giảm.

Nhưng sau 2 tháng trải qua chế độ ăn kiêng, bệnh nhân đã sút đến 7 kg, đau bụng nhiều và phải nhập viện trong tình trạng suy kiệt, nhiễm toan chuyển hóa nặng, men gan tăng cao, tổn thương gan nặng... Qua siêu âm đã phát hiện bệnh nhân có nhiều khối trong gan, bụng có dịch, có thể là dịch từ khối u gan bị vỡ.

Cũng vì mù quáng tin theo thực dưỡng để chữa bệnh ung thư, bé gái hơn 30 tháng tuổi ở Thái Nguyên đã qua đời vào cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, bé này có các dấu hiệu xuất huyết dưới da. Bệnh viện Thái Nguyên chẩn đoán là “theo dõi Leukemia cấp” – một dạng ung thư máu. Bác sĩ khám cho bé đề nghị chuyển cho Bệnh viện huyết học và truyền máu Trung ương để điều trị.

Tuy nhiên, mẹ của bé đã quyết định bỏ điều trị và tìm đến một nhân vật bán hàng thực dưỡng tại Đăk Nông để ở và “điều trị”. Cách mà người này áp dụng để chữa cho cháu bé là cho nhai gạo sống, ăn cơm lứt với tương tekka, nhai trà thất vị (một loại trà gồm nhiều loại gạo và đậu rang lên, nấu nước, ăn tương sắn dây).

Mẹ của bé cũng buộc phải ăn theo “combo số 7” - tức chế độ ăn chỉ bao gồm cơm gạo lứt, muối vừng trong thời gian cho bé bú. Tuy nhiên, cháu bé đã qua đời trước sự thương tiếc của gia đình và người thân.

Rõ ràng, cách chữa bệnh bằng việc ăn gạo lứt, muối mè, kiêng cứ đã mang đến hệ quả hết sức nguy hiểm. Tương tự như cách chữa bệnh bằng thực dưỡng, cuối tháng 6 vừa qua cụ bà 73 tuổi vừa được các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội vừa phẫu thuật thành công cắt bỏ khối ung thư vú “khủng” đường kính lên đến 15cm là một ví dụ cho hệ quả đánh mất niềm tin vào y học, chữa bệnh theo tin đồn.

Theo đó, bà D.T.T trú tại Hoàng Mai – Hà Nội đến Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội trong tình trạng ngực bên phải sưng to như quả bưởi, sùi loét, phun máu thành tia, chảy nhiều dịch có mùi hôi. Bà T. đã xuất hiện khối u khoảng 20 năm, ban đầu chỉ như quả trứng chim cút. Khi u to dần, bà tự điều trị theo sự mách bảo của mọi người như uống mật động vật, cao hổ cốt, xạ đen… nhưng khối u ngày càng phát triển. Khoảng 5 năm nay, ngực bà trở nên bầm tím, lở loét, thỉnh thoảng rỉ máu, bốc mùi khó chịu.

Bà T. bộc bạch: “Trước đây cứ nghĩ đến mổ xẻ là tôi vô cùng sợ hãi nên không dám đi viện điều trị. Đúng là sai lầm! Giờ cắt bỏ được khối u mà thấy nhẹ cả người, đỡ khổ sở bao nhiêu!”.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Kiên - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Trưởng Khoa Ngoại Vú - Phụ khoa khuyến cáo, những trường hợp như bà T. ban đầu có thể chỉ là khối u lành tính nhưng do không được điều trị kịp thời và đúng cách nên biến chuyển thành ác tính.

Phản khoa học

Liên quan đến tình trạng bệnh nhân tin theo cách chữa bệnh lan truyền trên mạng xã hội, chữa bệnh bằng thực dưỡng như hiện nay, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Trung Kiên - trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện không có một phương thức, công thức nào chữa được mọi loại bệnh. Đặc biệt là ung thư đang là gánh nặng cho toàn nhân loại.

Theo đó, nếu có 1 cách chữa khỏi ung thư dù là 1 loại ung thư ở mọi giai đoạn thì chắc chắn sẽ có giải Nobel Y học. Vì thế, người dân không nên tin theo các lời quảng cáo chữa được căn bệnh nguy hiểm này.

Gạo lứt, muối mè không có tác dụng trong chữa bệnh, đặc biệt là bệnh nặng như ung thư, tiểu đường, tim mạch.

Bác sĩ Trần Trung Kiên cũng cho rằng, lý thuyết “bỏ đói” tế bào ung thư của thực dưỡng là phi lý. Theo ông, thì nếu tế bào ung thư không lấy dinh dưỡng từ ngoài vào thì sẽ lấy dinh dưỡng từ cơ thể người bệnh. Do đó, nếu không ăn uống đủ chất, mà ăn theo kiểu bỏ đói tế bào ung thư thì người bệnh chưa chết vì ung thư đã chết vì suy kiệt sức khỏe. Do đó, người dân có bệnh thì đến các bệnh viện để được điều trị kịp thời. Không thể tin được những người chưa từng được đào tạo nghề y và chưa được cấp giấy chứng nhận hành nghề y để chữa bệnh.

Đồng quan điểm, khi trao đổi với phóng viên Báo NB&CL, bác sĩ dinh dưỡng Khổng Diệu Quỳnh Anh - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ cho rằng các lý thuyết chữa bệnh của thực dưỡng là không chính xác.

Bà Quỳnh Anh cho rằng, bệnh nhân ung thư nhu cầu chuyển hóa chất dinh dưỡng rất cao, nên năng lượng người bệnh cần nạp vào phải cao hơn người bình thường. Vì thế không ăn thịt, không ăn đạm, hạn chế chất béo mà ăn theo thực dưỡng như ăn gạo lứt, muối mè thì người bệnh sẽ chết vì suy dinh dưỡng trước khi chết vì ung thư.

Theo thống kê hiện nay, số người chết vì suy dinh dưỡng do mắc bệnh ung thư chiếm 20%. Vì thế nếu các bệnh nhân này ăn chế độ ăn kiêng kiểu dùng gạo lứt, muối mè thì chắc chắn là suy dinh dưỡng và chết vì đói. Những chế độ ăn như vậy chỉ tốt khi kèm theo ăn bổ sung chất đạm chất béo. Còn ăn theo thực dưỡng là quan điểm sai lầm vì tế bào ung thư sẽ không chết vì bị bỏ đói. Thực tế con người sẽ chết trước khi tế bào ung thư bị tiêu diệt nếu ăn thiếu chất.

Mặt khác, kiểu chữa bệnh dùng cao hổ cốt, hay mật các động vật cũng là cách chữa bệnh mù quáng. Cách chữa bệnh bằng kinh nghiệm như vậy chỉ có tác dụng tinh thần. Khi con người ta lâm vào bế tắc thì dễ mù quáng, hay tin vào truyền miệng thiếu căn cứ khoa học. Cao hổ cốt bản chất là cao xương, chất rắn như can-xi nên cơ thể rất khó hấp thụ.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Ngô Đức Hùng - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, “combo số 7” trong thực đơn thực dưỡng gồm sữa hạt, muối mè, gạo lứt được “nhóm thực dưỡng” tuyên truyền chữa được rất nhiều loại bệnh, kể cả tẩy giun và chữa ung thư. Nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều người bệnh đã tử vong, bệnh chuyển nặng do từ bỏ điều trị để đi theo các trào lưu vô căn cứ. Trong đó, có các trào lưu phản khoa học như: chống vắc-xin, sinh đẻ thuận tự nhiên, ăn thực dưỡng và bỏ thuốc chữa bệnh.

Thông tin người Nhật áp dụng thực dưỡng để chữa bệnh là bịa đặt

Hiện nay trên mạng có nhiều thông tin tâng bốc dành cho thực dưỡng cũng như thực phẩm chức năng, kèm theo là quảng cáo bán hàng với chất lượng và xuất xứ không rõ ràng. Họ thường rêu rao người Nhật sống khỏe là nhờ các phương pháp này. Thế nhưng, các nghiên cứu khoa học lại chỉ rõ, Nhật Bản có tỷ lệ ung thư cao hơn Việt Nam với 248 bệnh nhân mắc mới/100.000 dân, con số này ở Việt Nam là 151/100.000 dân. Các chuyên gia cho rằng, không có chuyện người dân Nhật lại dùng thực dưỡng để chữa bệnh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chua-benh-bang-che-do-thuc-duong-tin-don-phan-khoa-hoc-gay-suy-kiet-suc-khoe-post86529.html