Chữa bệnh vô cảm
Nhiều người không thể kiềm chế bức xúc khi xem clip ghi lại hình ảnh một phụ nữ bị tai nạn giao thông nằm trên vỉa hè tại quận Tân Phú (TPHCM), nhưng tài xế xe taxi gây tai nạn và nhiều người qua đường thờ ơ không giúp đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Báo SGGP tiếp nhận nhiều ý kiến bạn đọc bàn luận, phân tích về bệnh vô cảm ngày càng phổ biến trong xã hội.
Còn tâm lý e dè, bất an
Trong số những người qua đường không ra tay giúp đỡ, đưa người phụ nữ bị tai nạn giao thông đi cấp cứu, có người dửng dưng vô cảm, có người muốn giúp nhưng e ngại những phiền toái “khi làm ơn mắc oán”. Cũng có người muốn giúp đỡ nhưng không thể giúp được gì. Không phải ai, lúc nào cũng đong đầy tình thương hay sự tỉnh táo về nhận thức. Cách hành xử còn tùy thuộc tình huống, bối cảnh: khu vực xảy ra vụ tai nạn có nguy hiểm? Xung quanh vắng vẻ hay còn có người khác? Mình đang đi một mình hay cùng ai?... Bởi thực tế xã hội vẫn có nhiều chuyện khiến người dân phải cảnh giác, thí dụ như có kẻ gian dàn cảnh ngã xe, nằm lăn quay trên phố để đồng bọn xông ra uy hiếp cướp xe của người qua đường ghé lại cứu giúp.
Tôi cũng có lần ban đêm đi đường gặp trường hợp như vậy nhưng rất lúng túng và áy náy, vừa sợ bị dàn cảnh vừa day dứt e mình không cứu người bị nạn. Rất khó phán xét cảm xúc và nhân cách của người khác chỉ qua một biểu hiện như vậy. Tôi nghĩ, ẩn đằng sau việc không kịp thời giúp đỡ người bị tai nạn có thể là do tâm lý e dè, bất an - đó là điều không khó hiểu trong xã hội đô thị hiện tại, khi đã xảy ra nhiều vụ dàn cảnh cướp của, trấn lột. Lại thêm nỗi lo bị liên lụy không đâu: giúp đưa nạn nhân vào bệnh viện có thể bị người nhà bệnh nhân hồ đồ xông vào đánh, có thể bị công an triệu tập lên lấy lời khai như thể mình là người phạm tội.
Phân tích sâu xa, hiện tượng vô cảm chưa hẳn do vô cảm, mà là do tình trạng kém an toàn về an ninh trật tự - xã hội, dẫn đến sự mất niềm tin vào cuộc sống. Theo tôi nghĩ, nên chú ý 2 việc: mọi người cần được trang bị kỹ năng cấp cứu người bị tai nạn; về phía bệnh viện và công an nên cư xử với người giúp đỡ người bị nạn một cách tế nhị, lịch sự hơn là triệu tập hỏi cung. Chúng ta cần một xã hội mà ở đó công lý được tôn trọng, con người có niềm tin vào lẽ phải hơn.
Chị HUỲNH NHÂN (quận 9, TPHCM)
Thờ ơ, cái ác sẽ lộng hành
Qua các video clip chia sẻ trên internet, tôi từng không cầm được nước mắt cũng như cảm xúc giận dữ khi nhìn thấy hình ảnh những phụ nữ, trẻ em bị kẻ ác bạo hành, bị đánh hội đồng rất dã man. Đã có trường hợp nạn nhân là người làm thuê bị chủ hành hạ, tra tấn, hoặc là vợ bị chồng đánh đập rất tàn bạo, cả khu phố đều biết chuyện, thế nhưng không ai can thiệp, không ai giải cứu, cứ để cái ác tồn tại dai dẳng. Nếu người dân mạnh dạn lên tiếng ngay từ đầu và chính quyền địa phương, cơ quan công an nhanh chóng vào cuộc khi nhận được tin báo, chắc chắn cái ác đã được ngăn chặn kịp thời.
Suy cho cùng đó là do trong xã hội có nhiều người vô cảm, dửng dưng trước cái ác, cái xấu. Bệnh vô cảm đang ngày càng phổ biến trong xã hội, nhiều người dửng dưng khi thấy người bị nạn trên đường, không động lòng khi thấy có người gặp hoàn cảnh khốn cùng, không cảm thông khi thấy dân gặp chuyện khó khăn bức xúc. Nếu trước cái ác, cái xấu mà người ta không phản ứng, không dám cứu giúp nạn nhân, thì cái ác, cái xấu sẽ càng lộng hành, mức độ nguy hiểm khó lường. Nếu cán bộ chính quyền, công an địa phương thờ ơ, chậm can thiệp để xảy ra hậu quả đau lòng, thì niềm tin của người dân sẽ bị xói mòn.
Vấn đề xã hội này cần được điều chỉnh bằng các giải pháp giáo dục đạo đức, thực thi nghiêm chỉnh pháp luật, nâng cao trách nhiệm công vụ. Phải xem thái độ vô cảm, không cứu giúp người bị nạn cũng là hành vi tội ác, là sự lệch chuẩn đạo đức, phải bị xem xét xử lý pháp luật.
Ông NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5, TPHCM)
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/chua-benh-vo-cam-69749.html